Ngày 11/5, GS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất nâng mức tiền phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm về ATVSTP, thay cho mức cũ là 30 triệu đồng.
Theo đó, dự thảo lần thứ 12 về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được Bộ Y tế sửa đổi với mức tiền phạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh thực phẩm nhập khẩu có thể chịu mức phạt cao nhất nếu vi phạm ATVSTP (ảnh minh họa: Internet) |
Dự thảo Nghị định này quy định rất chi tiết các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể:
- Phạt 1 triệu đồng đối với việc bày bán thực phẩm chín không có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, bày bán thực phẩm không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
- Phạt 3 triệu đồng nếu sử dụng nguyên liệu chế biến thức ăn không có nguồn gốc rõ ràng.
- Phạt từ 3-5 triệu đồng đối với chủ nhà hàng ăn uống, khách sạn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin.
- Phạt đến 20 triệu đồng đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu hành trên thị trường không có báo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
- Đối với các đơn vị kinh doanh thực phẩm nhập khẩu bị biến chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người sẽ bị phạt đến mức 50 triệu đồng….
- Sẽ phạt 20 triệu đồng khi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thực phẩm thay thế thuốc chữa bệnh,…
Góp ý cho dự thảo Nghị định này, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng cho rằng, dự thảo Nghị định mới chỉ đưa ra 8 nhóm hành vi vi phạm là chưa đầy đủ, vì trên thực tế hành vi vi phạm rất nhiều. Chưa đề cập đến thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Một số quy định còn chung chung không rõ ràng như: Sử dụng nguyên liệu không đảm bảo ATVSTP nhưng như thế nào là không đảm bảo ATVSTP lại không ghi rõ…Ông Đáng còn đề nghị phải đưa đối tượng người tiêu dùng vào đối tượng áp dụng ở Nghị định này để nâng cao y thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm.
Theo Dantri