(QNg)- Những người chọn nghề y dường như không có ý nghĩ đến quyền lợi cá nhân, đến lợi ích kinh tế mà với họ được cống hiến và mang lại sức khỏe cho người bệnh là điều quan trọng nhất, là niềm vui lớn nhất. Chọn công việc lặng lẽ - lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ như con ong đem mật ngọt đến cho đời. Họ không có nhiều thời gian cho bản thân mình, cho gia đình...
Như thường lệ, cứ vào sáng thứ 7 cuối tuần chị Đinh Thị Sinh - nữ y tế thôn bản xã Sơn Trung (Sơn Hà) lại đến thăm và hướng dẫn cách chăm sóc thai sản, cũng như cách nuôi dạy con nhỏ cho chị em trong thôn. Nhờ những chỉ dẫn của chị mà các tập tục, thói quen cũ đã dần được xoá bỏ, hơn 20 bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ của thôn Tà Màu đều biết cách ăn uống hợp lý khi mang thai, cũng như cách chăm sóc con nhỏ. Là xã miền núi nên địa hình còn nhiều hiểm trở, việc đi lại cũng rất khó khăn. Nhiều hôm chị Sinh phải lội bộ gần 10 km để mang những hiểu biết của mình đến với bà con. Vất vả là thế, nhưng chị vẫn cảm thấy vui, hạnh phúc vì mình làm được điều có ích cho dân bản.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiến hành 1 ca phẫu thuật. |
Chị Sinh cho biết: Mình cũng là người địa phương, nên muốn giúp cho bà con quê mình. Bà con là người dân tộc thiểu số nên hiểu biết còn hạn chế, mình phải đi lại nhiều lần cả ban ngày và ban đêm, để nói cho họ hiểu; phải kết hợp với các hội, đoàn thể có khi tận dụng các cuộc họp thôn, xóm để tuyên truyền.
Cái khó của y tế thôn bản là thiếu, các loại thuốc thông dụng như đau đầu, đau bụng. Nhiều khi người dân đến xin thuốc không có, mình phải đi mua về cho họ. Với lòng yêu nghề và sự cần mẫn trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, chị Sinh đã tạo được niềm tin trong lòng bà con thôn bản. Bà con quan tâm hơn đến việc đưa con đi tiêm chủng định kỳ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, 100% bà mẹ có thai khám đủ 3 lần trong một thai kỳ, tình trạng cúng ma khi đau ốm không còn nữa.
Trong 15 năm công tác ở miền núi, bước chân bác sĩ Trần Lộc – Đội trưởng Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế Trà Bồng) đi đến hết các vùng khó khăn nhất của huyện. Phần lớn đồng bào ở các xã, thị trấn của huyện Trà Bồng ai cũng biết đến bác sĩ Lộc. Bởi có một lẽ rất đơn giản là, cứ ở đâu xảy ra các ổ dịch bệnh, dù ở thị trấn hay trên các thôn, bản vùng cao, thì đều có bác sĩ Lộc và Đội Y tế dự phòng Trung tâm y tế huyện Trà Bồng có mặt kịp thời. Có điều họ không phải có mặt để... "báo cáo thành tích" rồi về, mà bác sĩ Lộc cùng đơn vị luôn sẵn sàng ở 10 ngày, nửa tháng cùng ăn, cùng sống với bà con, để "dẹp dịch xong xuôi mới về". Và trong những chuyến đi ấy. Họ đã giành giật với thần chết, cứu sống nhiều mạng người.
Do đặc trưng của công tác y tế dự phòng là lưu động và phòng, chống dịch tại cộng đồng nên hơn ai hết, các y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng chính là những người gần dân, sát dân, có điều kiện tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh. “Đối với cán bộ y tế dự phòng, để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ còn cần phải có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, kiên nhẫn và khéo léo. Bởi vì việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh là vấn đề không dễ dàng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn. “Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng có 3 người được bầu chọn là gương làm tốt việc học tập và làm theo lời Bác. Bản thân mình được chọn vào hàng ngũ ấy thì từ nay, bản thân sẽ trau dồi thêm đạo đức, để xứng đáng với lời Bác: Lương y như từ mẫu...". Bác sĩ Lộc tâm sự với tôi.
Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi thì, suốt 18 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy thời gian anh nếm trải nỗi vui – buồn với sự “trái gió trở trời” của bệnh nhân. Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân thần kinh có vấn đề càng khó khăn gấp bội. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh.
“Ai mới vào nghề này lúc đầu đều sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc khác người ở đây. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn lại cảm thấy thương người bệnh. Với họ, mình cần phải có tình thương, có sự cảm thông sâu sắc thì mới có thể làm được…”. Bác sĩ Vũ tâm sự.
Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của người bác sỹ này mới nhận thấy, đó là công việc mà không phải ai cũng làm được. Những hình ảnh vật vờ, những nụ cười man dại, những việc làm quái gở không giống ai… mà người bình thường khi chứng kiến ở những “người điên” đều cảm thấy ghê sợ, xa lánh. Nhưng trong thế giới “người điên” ở bệnh viện Tâm thần, những bệnh nhân đã được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị, cảm hoá bằng tình người. Sự cố gắng, tận tâm với nghề nghiệp của họ thật đáng khâm phục.
Sự cống hiến tuy thầm lặng nhưng rất vinh quang với những ai theo nghề thầy thuốc. Ai cũng đặt câu hỏi vì sao gắn bó “bền vững” với nơi này vậy. Mình đều trả lời đơn giản, đó là trách nhiệm với cộng đồng, là niềm vui khi ta làm được điều có ích. Và trên hết, đó là cái “nghiệp” của mình rồi.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, một lần nữa xã hội tôn vinh những thầy thuốc chân chính, hết lòng vì bệnh nhân, đồng thời cũng là dịp để mỗi người trong ngành y tự nhìn nhận lại mình, để sống và cống hiến xứng đáng với sự cao quí của nghề nghiệp.
T.THUẬN