Bình đẳng giới với chất lượng dân số ở tỉnh ta

10:11, 24/11/2010
.

(QNg)- Tỉnh ta có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất nước (với tỷ lệ nam/nữ là 115/100), đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số trên toàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực miền núi và nông thôn - những nơi còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, chất lượng và nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của người dân còn ở mức thấp…

Ở các huyện miền núi hiện nay đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số đang dần ý thức được tư tưởng "đông con nhiều của" đã không còn giá trị, bởi họ đã nhận thấy rằng, đông con không mang lại tiền của, mà chỉ thấy bệnh tật, đói nghèo. Chính vì thế đồng bào đã dần nâng cao nhận thức với tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể; nhiều quan niệm "con một bề" hay "đủ nếp, đủ tẻ" đã dần được xóa bỏ. Trong khi bà con các địa phương miền núi đang dần thay đổi và đẩy lùi những hủ tục, những quan niệm lạc hậu về vấn đề con gái, con trai, thì quan niệm "đông con nhiều của" lại đang có xu hướng trở lại với ngư dân ở các xã vùng biển. 
 
Trẻ em vùng biển lao động kiếm sống.
Trẻ em vùng biển lao động kiếm sống.

Phổ Thạnh - một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, cũng như các ngành nghề hậu cần phục vụ nghề cá nhộn nhịp nhất huyện Đức Phổ. Nhưng cũng vì thế mà nhu cầu lao động (chủ yếu là lao động nam) làm việc trên các tàu thuyền ngày càng "khát". Vì vậy người dân ở đây không bằng lòng với mái ấm hai con. Bởi theo họ khi người đàn ông - trụ cột của gia đình phải đi biển dài ngày, nghĩa là đã phó mặc số phận và tính mạng của mình cho "trời", thì nhất thiết phải có nhiều con cho yên tâm (nhất là con trai). Để minh chứng ý kiến của các ngư dân, một tuyên truyền viên dân số đã đưa tôi đến thăm một số gia đình, có chung một điểm là đông con.

Điển hình như anh Lê Thanh Dũng (thôn La Vân) đã không bằng lòng với 3 cô con gái chăm ngoan, học giỏi mà phải "cố" kiếm thằng con trai, vì "không có con trai đi biển thì lấy gì mà sống", mặc cho vợ ốm yếu, điều kiện kinh tế eo hẹp, khó khăn. Hay như vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (thôn Thạch Bi 2), dù đã có 3 cậu con trai khỏe mạnh và 1 bé gái xinh xắn, nhưng vẫn thích có thêm con, "nhà nào có nhiều con trai đi biển thì sẽ nhanh giàu” - anh Thành bảo.

 Vì tư tưởng "đông con nhiều của", đặc biệt là con trai, nên đã dẫn đến hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh, góp phần nâng tỷ lệ nam/nữ trên địa bàn tỉnh là 129/100 (năm 2009) và 114/100 (những tháng đầu năm 2010) - đứng đầu nước ta hiện nay. Khi tỷ lệ giới tính vượt ngưỡng, không còn được giữ ở mức an toàn, thì hậu quả kéo theo thật khó lường. Bởi lẽ hầu hết các gia đình đông con ở khu vực ven biển đều có hoàn cảnh khó khăn, thường là lao động làm thuê trên các tàu lớn, nên thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào sự hào phóng của biển cũng như chủ tàu. Khi điều kiện sống không được đảm bảo, thì hệ lụy kéo theo sẽ là đói nghèo, bạo lực gia đình, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao (20%), việc học hành, vui chơi của trẻ cũng không được quan tâm đúng mức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết con em của các gia đình này đều chỉ học đến hết cấp I, cấp II, "cố" lắm thì cũng được vài em học đến lớp 11 là "gạt" giấc mơ đèn sách, bước chân lên tàu để nối nghiệp đi biển, bởi "dân biển không cần học nhiều, chỉ cần đi biển 5 năm là đã có tất cả nhà lầu, xe hơi" - là câu nói của hầu hết các gia đình mang tư tưởng "đông con nhiều của" ở vùng ven biển. "Chỉ có số ít những gia đình có suy nghĩ "tiên tiến" và điều kiện kinh tế khá giả mới đầu tư cho con đi học, còn hầu hết là đầu tư kinh nghiệm cho con đi biển. Chính vì vậy nếu thẳng thắn nhìn nhận thì một bộ phận lớn người dân, trẻ em, thanh thiếu niên ở các vùng ven biển hiện nay có chất lượng thể chất, trí tuệ, tinh thần còn rất thấp" - ông Lê Viết Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh nói với tôi.

Trước thực trạng quy mô và chất lượng dân số dịch chuyển theo hướng bất hợp lý, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình hành động để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình" như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề giới tính, về những hậu quả của việc mất cân bằng giới tính đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị; phấn đấu đến cuối năm 2010, cố gắng giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 9%, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 12%, tỷ lệ giới tính nam/nữ là 110/100.

 Thiết nghĩ để hoàn thành những mục tiêu trên, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị các địa phương thì cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp người dân ở các vùng có "nguy cơ" bùng phát dân số có "chiếc cần câu", để phát triển kinh tế, có điều kiện chăm lo cho cuộc sống, việc học tập, vui chơi của con em. Đồng thời cần sớm hoàn thiện lực lượng và trình độ của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số - những hạt nhân của phong trào, là nền tảng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, góp phần cải thiện chất lượng dân số cũng như cuộc sống của người dân.

Bài, ảnh: MỸ HOA

.