Đảm bảo chất lượng VSATTP: Trách nhiệm của cả cộng đồng

08:06, 10/06/2010
.

(QNĐT) - Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 430 người tử vong do ngộ độc thức ăn đường phố. Riêng trong năm 2009 cả nước xảy ra 152 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.100 người nhập viện và 35 người tử vong. Những con số khiến chúng ta "giật mình" về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay.

Quá nhiều bất cập
 
Hiện toàn tỉnh có 16.503 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó, cấp tỉnh quản lý 8.331 cơ sở, cấp huyện là 4.805 cơ sở và cấp xã 3.367 cơ sở.

Cũng như tình trạng chung của các nước, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết thực phẩm người dân tiêu dùng hàng ngày chủ yếu là thực phẩm tươi sống mua ở các chợ. Các thực phẩm này được nuôi trồng, sản xuất, chế biến từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ, dụng cụ chế biến thô sơ, điều kiện cung cấp nước sạch chưa đảm bảo; người sản xuất, người chế biến thực phẩm chưa được trang bị những kiến thức an toàn vệ  sinh trong nuôi trồng, chế biến.
 
Thức ăn đường phố là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc
Thức ăn đường phố là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc.
 
 
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: "Hiện số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống gia tăng đột biến, nhất là thức ăn đường phố. Tuy nhiên ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận không nhỏ người tham gia cung cấp thực phẩm cho xã hội còn rất hạn chế, trong khi lực lượng thanh, kiểm tra của ngành y tế còn quá mỏng.
 
 
Bên cạnh đó sự phối hợp giữa các ban, ngành chưa đồng bộ, UBND các cấp chưa thật sự vào cuộc, ngành Y tế hầu như "đơn thân độc mã" trong công tác này. Việc triển khai cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP còn gặp nhiều khó khăn do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số cơ sở chưa tốt. Đó là những nguyên nhân khiến công tác đảm bảo chất lượng VSATTP hết sức nan giải"

Trên thực tế công tác thanh, kiểm tra hầu như chỉ "cưỡi ngựa xem hoa". Phần lớn các cuộc thanh, kiểm tra chỉ diễn ra vào các ngày lễ, tết và trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP và chỉ kiểm tra được các cơ sở kinh doanh lớn có đăng ký (khoảng 20-30%), còn một lượng rất lớn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không "rờ" tới được.

Hiện chỉ có 65% số cơ sở thực phẩm do cấp tỉnh quản lý được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Con số này ở cấp huyện chỉ đạt 13%, cấp xã hầu như còn bỏ ngõ.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Đảm bảo chất lượng VSATTP là đảm bảo cả chuỗi cung cấp thực phẩm từ "trang trại đến bàn ăn", bất kì một mắc xích nào trong chuỗi thực phẩm trên không đảm bảo cũng sẽ dẫn đến thực phẩm không an toàn cho người sử dụng.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ đảm bảo chất lượng VSATTP đối với cộng đồng và xã hội và cũng chính vì nguyên nhân này mà nhiều doanh nghiệp tự "kết liễu" mình. Ở tỉnh ta vụ thực phẩm nhiễm RodaminB của Cơ sở sản xuất bò khô Hoàng Anh là một minh chứng.

Bà Hoàng Anh - Chủ cơ sở sản xuất Bò khô Hoàng Anh cho  biết: Sau sự cố này, uy tín của sản phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đây là bài học đắt giá cho doanh nghiệp.
 
Với thực phẩm tươi sống cần  biết cách lựa chọn để  có được sản phẩm an toàn
Người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn để có được thực phẩm an toàn.
 
Vì vậy, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp phải gắn trách nhiệm của mình với cam kết đảm bảo VSATTP, thực hiện các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; cải tiến, nâng cao chất lượng và sự an toàn của sản phẩm thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước và tiêu chuẩn thực phẩm của quốc tế; nâng cao thương hiệu sản phẩm thực phẩm Việt Nam.

Bên cạnh đó, về phía trách nhiệm quản lý nhà nước, ngành Y tế phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng VSATTP đến các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng, về tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng và tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Và người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, phát giác các hành vi gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái; biết lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn. 

Bài, ảnh: Ái Kiều

.