Xúp yến và chè yến là những món ăn có trong thực đơn của nhiều nhà hàng |
Báo NLĐ ngày 8-5 có bài viết “Tốn tiền bạc triệu mua yến sào... dỏm”, cảnh báo giúp người tiêu dùng tránh mua phải yến sào dỏm, nguy hại cho sức khỏe khi sử dụng. Tuy nhiên, về mặt y học, dù có yến sào thật mà không biết cách sử dụng thì cũng không tốt.
Cần lưu ý yến sào thật cũng có nhiều loại khác nhau. Cụ thể: Yến huyết (đỏ hoặc hồng, đắt giá nhất); yến quan (trắng, chất lượng tốt, tổ nặng từ 10 – 12 g); yến thiên (nhỏ, xanh nhạt hay vàng nhạt); yến địa (nhỏ, hình thức xấu, xám hay lục nhạt).
Cũng có thể chia ra 3 loại như sau: Mao yến (tổ làm lúc đầu để đẻ trứng, chứa nhiều lông, sần sùi như xơ mướp, cứng mà giòn); bạch yến (tổ làm lại sau khi mao yến bị lấy mất, màu trắng tinh, nửa trong suốt); huyết yến (là loại quý và hiếm nhất, chứa các sợi xơ màu đỏ được xem là máu của yến lẫn với nước dãi).
Xúp yến rất ít dinh dưỡng
Tổ yến có tác dụng: dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, định suyễn, được dùng làm thức ăn bổ dưỡng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, khí huyết suy yếu, người nóng bứt rứt, gầy ốm, da khô nóng, tim đập nhanh...
Chỉ sử dụng khi đã thật sạch Về cách sử dụng: dù là để làm thuốc hoặc làm món ăn, đều phải lưu ý ngâm tổ yến khoảng hai giờ vào một lượng nước ấm gấp mười lần thể tích của nó cho các sợi nở tơi ra, nhặt bỏ tạp chất và lông chim. Tiếp đó, trộn đều sợi yến với dầu đậu phộng để tách những lông tơ còn sót lại, dùng nước ấm rửa nhiều lần cho sạch dầu. Khi đã làm thật sạch, yến sào mới được dùng làm thuốc hoặc chế biến thành các món ăn bổ dưỡng. |
Gần đây, nhà khoa học Kong Yun Cheng của Trường ĐH Hồng Kông đã phân tích thành phần hóa học của một tô xúp yến. Kết quả cho biết mặc dù có một số chất glyco-protein hòa tan trong nước, có khả năng tăng cường quá trình phân chia tế bào trong hệ miễn dịch nhưng đã bị phá hủy trong quá trình làm sạch. Do đó, xúp yến thực tế có giá trị dinh dưỡng thấp.
Yến sào thật đúng là tốt cho sức khỏe nhưng có một số người tuổi cao, thấy sức yếu, muốn “bổ” mau đã mua và sử dụng liên tục mấy ngày liền. Hậu quả là cơ thể không thể tiêu hóa nổi, khó chịu, bụng đầy chướng và mất mấy ngày liền không thể ăn cơm. Đó là do lượng đạm khá cao trong yến.
Đối với người khỏe mạnh hoặc trẻ em, có thể thỉnh thoảng dùng yến sào như một thực phẩm cung cấp chất đạm. Tuy vậy, không ăn một lúc nhiều hơn 100 g yến và cũng không nên ăn thường xuyên mà nên thay đổi với các thức ăn giàu đạm khác.
Lưu ý khi sử dụng
Những người mà sức khỏe rơi vào các tình trạng sau đây thầy thuốc khuyên không nên dùng yến sào:
- Cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau bụng do lạnh, đầy bụng, ho nhiều đàm loãng và trong.
- Đang viêm nhiễm ngoài da, viêm gan vàng da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm đường tiết niệu..., nói chung là bệnh viêm nhiễm cấp tính có sốt, thực nhiệt.
- Gầy yếu nhưng chức năng hoạt động của tì vị còn quá yếu, không thể hấp thu các thực phẩm (hoặc dược liệu) có quá nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm (đông y gọi là hư bất thụ bổ).
- Dương khí suy yếu với các triệu chứng: người lạnh, sợ lạnh, tiêu lỏng, tiểu nhiều lần, nước tiểu trong.
Thêm một lưu ý nữa là những người bị đái tháo đường, nếu muốn ăn yến sào thì chỉ nên ăn cháo yến chứ không nên ăn chè yến.
Theo TNO