Tại một quán cà phê trên Đại lộ Hùng Vương , người phụ nữ nghẹn ngào và uất ức nói với chúng về sự vô cảm và vô trách nhiệm của một số thầy thuốc tại bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Chị kể lại câu chuyện đưa con đi khám tại đây. Hai giờ đồng hồ, liên tục bế con đi lên rồi lại đi xuống hàng trăm bậc cầu thang bệnh viện từ tầng 1 lên tầng 5 trong khi đứa con 15 tháng tuổi đang sốt trên 40 độ C để tìm bác sỹ khám cho con. Cuối cùng chị nhận được câu thoái thác của một cô y tá trực Khoa Nhi: Hết giờ rồi, chi bằng chị ôm con ra ngoài khám tư cho xong chuyện!
13 giờ ngày 19/5, tại nhà mình, chị L.U đo thân nhiệt cho cậu con trai mới 15 tháng tuổi của mình, hoảng hốt vì nhiệt độ của cháu lên đến 40 độ C, chị tìm thuốc cho con hạ nhiệt, nhưng mọi cố gắng bất thành. 14 giờ, thân nhiệt cháu lên đến 40,5 độ C.
Loạng quạng rồi cũng gọi được taxi đến chở con vào bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, lao vội vào phòng khám Nhi, trước cửa đã có rất đông người ôm con chờ khám, vớ vội cô y tá đi từ trong phòng khám ra chị hỏi : “Xin lỗi chị, con tôi sốt cao quá, có thể cho cháu khám trước được không?”.
-Chị bế cháu lên tầng 5 mà khám, ở đây quá tải, không chờ được đâu”.
Thế là tất tưởi tìm đến thang máy, nhưng thang máy trong 4 cái thì chỉ còn hai cái ở hai góc xa nhau hoạt động, lại mắc chở các vật dụng chăn ga mùng chiếu của bệnh viện cùng các nhân viên vệ sinh án ngữ. Chị đành ôm con leo thang bộ lên tầng 5. Tình thương con lớn hơn tất cả, quên mệt mỏi chị đi như chạy để kịp lên Khoa Nhi mong con được khám khi cháu ngày càng sốt cao.
- “Chị bế con xuống tầng 1, chỗ khám Nhi để khám, ở đây chỉ có trách nhiệm điều trị, không khám”. Chị lại tất tưởi quay lại thang bộ ôm con chạy xuống cùng với chiếc ba lô lủng lẳng sau lưng.
- Chị lên tầng 5 đi, nói rồi mà chị không hiểu à. - Nhưng họ bảo xuống đây khám, trên đó chỉ điều trị? - Thì chị bảo là dưới đây quá tải…
Lại tất tưởi leo thang bộ, lại nhận được câu trả lời tương tự, chị quay lại tầng 1, vào thẳng phòng cấp cứu Nhi, gặp một bác sỹ hay y tá trực gì đấy (“tôi không còn tâm trí để phân biệt họ là ai, miễn là họ có thể khám cho con tôi, khi cháu đã có biểu hiện co giật, tôi lại một thân một mình, chồng tôi là bộ đội biên phòng, suốt tháng mới về được một lần, nhà chỉ một mẹ và một con thơ”- Chị tâm sự). Anh bác sỹ hay y tá gì đó có sờ tay lên trán cháu rồi bảo bồng cháu qua phòng khám Nhi.
Chị lại thêm một hành trình từ phòng cấp cứu Nhi - phòng khám Nhi - Khoa Nhi để rồi nhận được câu trả lời chua chát: Hết giờ rồi, chi bằng chị ôm con ra ngoài khám tư cho xong chuyện!
Nghe câu chuyện chị kể mà không thể kìm lòng giận mấy nhân viên bệnh viện ấy được. Dù gì thì cũng là con người, hơn thế họ là những người khoác trên mình tấm Blu trắng, mang trên mình hai chữ “lương y”. Vậy mà sao trước một sự việc cảm thương như thế họ vẫn dửng dưng đến vô cảm với nỗi đau của người khác. Rất may cháu bé sau khi ra ngoài khám tư và được điều trị đúng, cháu hạ sốt dần và đang bình phục sức khỏe, nhưng lỡ không may lúc đó cháu bị viêm não cấp hay một bệnh cần cấp cứu kịp thời thì sao? Nếu như vậy thì chuyện gì sẽ xẩy ra khi những y, bác sỹ bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong buổi trực chiều hôm đó dửng dưng đùn đẩy trách nhiệm đến lạnh xương sống?
Tại buổi họp bất thường giữa Giám đốc bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Hùng với Trưởng Khoa Nhi Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa cấp cứu Nhi Đặng Thị Phi Vân và chị L.U tại phòng Giám đốc bệnh viện sáng ngày 21/5 để “phân rõ trách nhiệm” thuộc về ai sau khi chị U. đã có ý kiến nhờ cơ quan ngôn luận lên tiếng để ngăn ngừa cách đối xử vô cảm với bệnh nhân tiếp tục xảy ra ở bệnh viện này. Giám đốc bệnh viện thừa nhận sự việc là sai sót về phía bệnh viện, và sẽ tìm hiểu rõ sự việc để quy trách nhiệm những người “vô cảm” trước bệnh nhân. “Dù gì thì cũng phải tiếp nhận bệnh nhân khi có dấu hiệu sốt cao, còn Khoa Nhi khi chỉ xuống phòng khám là đúng”, Ông Hùng phát biểu.
Tuy nhiên khi được hỏi vì sao trước sự việc một bà mẹ gầy gò ốm yếu, ôm con liên tục lên xuống 700 bậc cầu thang từ tầng 1 lên tầng 5 mà họ không động lòng, chỉ nói một câu “Hết giờ, bồng ra ngoài khám cho xong chuyện”? thì ông Hùng công nhận, việc trong bênh viện hiện nay còn tình trạng nhiều y bác sỹ vô cảm trước nỗi đau của bệnh nhân, dù là bệnh Nhi hay ai khác. Có nghĩa là không chỉ sự việc xẩy ra với chị U., mà đã rất nhiều bệnh nhân khác, và lãnh đạo bệnh viện cũng biết rõ điều này. Song khi chị U. có ý kiến phản ánh thì mới nhận được lời xin lỗi lấy lệ cùng lời hứa nửa vời “ai sai thì sẽ chịu trách nhiệm, nếu không phát hiện được nhân viên nào đích danh thì bệnh viện cũng chỉ có thể nhắc nhở chung chung thôi” ông Hùng nói.
Bác sỹ Vân Trưởng khoa cấp cứu Nhi công nhận sự sai trái của nhân viên trực chiều hôm đó của khoa Cấp cứu. Tuy nhiên vị bác sỹ này cũng bộc bạch, việc Giám đốc nói rằng khoa Nhi không sai là đúng, nhưng đứng trên tinh thần “lương y như từ mẫu” thì không thể chấp nhận được hành vi dửng dưng của y tá trực Khoa nhi trước nỗi đau của bệnh nhân.
Trong ánh nắng gắt đầu hạ, rời khỏi bệnh viện mà lòng chị vẫn còn nguyên sự trăn trở: “Em biết sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì đâu, vì ngay cả vị Giám đốc Bệnh viện cũng trả lời chung chung vậy thôi, rồi chuyện đâu lại vào đó. Nói chuyện vô cảm hay tiêu cực ở các Bệnh viện công thì hình như đã nhàm chán quá rồi!”.
Theo Dân trí