(Báo Quảng Ngãi)- Với khát vọng được nghiên cứu khoa học, chinh phục đỉnh cao tri thức, anh Nguyễn Đăng Mão đã được công nhận là Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) tại Cộng hòa Pháp khi mới ngoài 30 tuổi.
Săn tìm học bổng vì nghèo
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), từ nhỏ Nguyễn Đăng Mão đã sớm ý thức được sự vất vả của bố mẹ và tầm quan trọng của việc học, nên luôn nỗ lực học tập thật tốt. Vốn yêu thích nghiên cứu về những vật liệu thân thiện với môi trường và phân hủy sinh học, chàng trai đất Quảng này đã quyết định theo học đại học (ĐH) chuyên ngành Vật liệu Polymer và Composite tại Khoa Khoa học Vật liệu và thạc sĩ Hóa Lý tại Khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).
Nỗ lực, phấn đấu không ngừng, anh Nguyễn Đăng Mão đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ khi mới 34 tuổi. Ảnh: NVCC |
Thích ứng với môi trường mới cũng như sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong cách làm việc, anh Mão sớm hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ. Sau đó, chành trai quê Nghĩa Hành tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ ở các phòng thí nghiệm lớn của Pháp như Navier, Trường Cầu đường Pháp (Ecole des Ponts ParisTech) và LGPM, Ecole CentraleSupélec Paris. Hướng nghiên cứu chính của anh Mão là phát triển những vật liệu thân thiện với môi trường từ gỗ phế thải và các sợi tự nhiên như tre, rơm, sợi gỗ, cây cải dầu, cây gai dầu... với chất kết dính sinh học ở các tỷ lệ khác nhau, để ứng dụng làm vật liệu cách nhiệt sinh học trong xây dựng.
Sau gần 7 năm phấn đấu ở trời Tây, giữa năm 2021, nhà khoa học Nguyễn Đăng Mão đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy khi trở thành Phó Giáo sư phụ trách lĩnh vực nhiệt và năng lượng trong xây dựng tại Trường Ecole Supérieure du Bois, Pháp. Đây là một trong hai trường ĐH đào tạo kỹ sư chuyên ngành xây dựng gỗ và vật liệu thân thiện môi trường tại Pháp (kể từ năm 1934).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mão trong phòng nghiên cứu của mình. ẢNH: NVCC |
Đặt mục tiêu cho bản thân
“Trong thế giới học thuật không có đường tắt, mà đòi hỏi mỗi người phải thật sự phấn đấu và học hỏi không ngừng. Công việc nghiên cứu luôn đi kèm với rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian và không ổn định, nhưng tôi luôn coi đó là điều tất yếu, là thách thức để luôn cố gắng, sáng tạo và rèn luyện bản thân”, anh Mão chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mão cùng đồng nghiệp. ẢNH: NVCC |
Điều đáng trân trọng với PGS.TS trẻ này là luôn hướng về quê hương của mình. Anh đã và đang là cầu nối triển khai các dự án đào tạo song bằng hoặc trao đổi giữa trường ĐH, nơi anh đang công tác và một số trường ĐH ở Việt Nam, để tạo điều kiện cho sinh viên hai nước có điều kiện trao đổi học tập và nghiên cứu. Anh còn ký kết để sinh viên Việt Nam có thể sang Pháp học tập hệ kỹ sư tại Pháp với nguồn học bổng của Pháp. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tiến sĩ toàn phần ở Pháp và Úc. Cùng với đó, anh thường xuyên đóng góp vào quỹ khuyến học ở địa phương, để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong học tập.
Không ngừng nỗ lực, trau dồi kiến thức và chẳng ngần ngại thử thách bản thân, chinh phục đam mê, anh Mão đang tiếp tục học hỏi và nghiên cứu để đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư chất lượng cho Việt Nam và Pháp. Bản thân anh đang tiếp tục phấn đấu để được bổ nhiệm vị trí Giáo sư ĐH trên đất Pháp trong tương lai. “Tôi luôn đề ra những mục tiêu dài hạn, để thôi thúc bản thân nỗ lực làm việc nhằm chinh phục ngưỡng cao tri thức và tạo ra tri thức. Cái đích mà tôi hướng tới là sự vẹn toàn trong nghiên cứu ứng dụng, chế tạo ra thật nhiều vật liệu có ứng dụng thực tế và đào tạo được những thế hệ sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi để đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội”, anh Mão bày tỏ.
Khi có đam mê thì mọi thứ đều có thể
"Không ít bạn sinh viên đặt câu hỏi, điều gì giúp tôi thành công chinh phục đam mê của mình? Với tôi, trên chặng đường chinh phục đỉnh cao tri thức, khó khăn rất nhiều, nhưng cơ hội mở ra cũng không ít, chỉ cần có niềm đam mê, cố gắng theo thời gian, chúng ta sẽ gặt hái được những trái ngọt mà mình đã dày công gieo trồng”, PGS.TS Nguyễn Đăng Mão chia sẻ.
|
MỸ DUYÊN