(Baoquangngai.vn)- Sau 5 năm xây dựng, từ vùng đất còn gian khó, qua bàn tay khai phá của những người trẻ, Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Sơn Bua ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) đã trở thành nơi an cư lạc nghiệp của hàng chục hộ gia đình trẻ và đang trở thành miền đất hứa với nhiều tín hiệu lạc quan.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những người tiên phong
Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Sơn Tây vào những ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại Làng TNLN Sơn Bua sau 5 năm xây dựng và hình thành. Dọc theo con đường bê tông rộng rãi từ trung tâm xã Sơn Bua đưa chúng tôi vào làng là những rẫy keo, rẫy mỳ trải dài ngút mắt làm dịu đi cái nắng buổi trưa của miền rừng núi.
Chạm chân vào làng, điều chúng tôi khá ấn tượng trong lần trở lại hôm nay là sự đổi thay vượt bậc về cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân nơi đây. Trên nền màu xanh bình yên của núi rừng là những căn nhà khang trang với mái ngói đỏ au, những con đường thông thoáng và trên các mảnh vườn xanh mướt những thanh niên hồ hởi với công việc trồng cây, tăng gia sản xuất,... thể hiện một cuộc sống mới rộn ràng tại làng. Ít ai nghĩ rằng những năm trước, nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang vu với những quả đồi trơ trọc, cằn cỗi.
Làng TNLN Sơn Bua nổi bật giữa núi rừng Sơn Tây |
Trên đường đi ‘mục sở thị’ quanh làng, chúng tôi ghé vào thăm gia đình anh Đỗ Minh Vương và chị Đinh Thị Mực- một trong những hộ tiên phong tình nguyện vào làng để lập nghiệp. Đang lúi húi làm vườn ở phía sau nhà, thấy có khách phương xa, vợ chồng anh niềm nở mời vào nhà.
Bên chén trà nóng, anh Vương chia sẻ, quê anh ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), năm 2012, anh lên xã Sơn Bua công tác và làm việc tại UBND xã. Trong một dịp tình cờ, anh quen chị Mực là người đồng bào Cadong ở miền sơn cước này và sau đó bén duyên chồng vợ.
“Từ ngày cưới nhau và có con, vợ chồng mình phải thuê nhà để ở và luôn ước mơ có riêng một mảnh đất để dựng nhà, ổn định chỗ ở. Khi biết chủ trương xây dựng và tuyển chọn thanh niên Làng TNLN Sơn Bua, mình đã làm hồ sơ xin vào làng và được Tỉnh Đoàn tuyển chọn”- anh Đỗ Minh Vương nói.
Với số tiền tích góp được cùng 20 triệu đồng dự án hỗ trợ, anh Vương đã dựng căn nhà gỗ khang trang trên mảnh đất 1.200m2 mà Dự án Làng TNLN cấp cho mỗi hộ vào làng. Trên diện tích này, ngoài làm nhà và xây dựng các công trình phụ, vợ chồng anh Vương còn dành phần lớn đất để chăn nuôi, trồng cây ăn quả… nhằm phát triển kinh tế gia đình.
“Ngày mới vào làng, cơ sở hạ tầng, đường xá ở đây chưa có gì nên cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là lãnh đạo của Tỉnh đoàn quan tâm hỗ trợ, động viên nên dần dần cái khó khăn ban đầu cũng qua đi. Giờ đây cuộc sống của vợ chồng mình và 2 đứa con đã ổn định. Có vườn rộng rãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vợ mình lại có thêm nghề buôn bán tạp hóa nhỏ trong làng, nên điều kiện kinh tế cũng dần khá lên”- anh Vương vui vẻ nói.
Nói rồi, anh Vương dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn của gia đình mình. Vừa đi, anh vừa giới thiệu cho chúng tôi về mô hình nuôi cá trê, nuôi heo rừng lai, gà thả vườn,… được vợ chồng anh gầy dựng trên ngôi làng mới này, với niềm tin về triển vọng phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới.
Các hộ thanh niên vào làng dựng nhà để xây dựng cuộc sống nơi làng mới |
Chia tay vợ chồng Vương, chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Nghiệp nằm ở gần cuối trục đường bê tông chính của Làng TNLN Sơn Bua. Trong ngôi nhà sàn được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống người đồng bào Cadong, trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nghiệp vui vẻ cho biết ngôi nhà của vợ chồng anh vừa khánh thành cách đây hơn một tháng trước.
"Ở nơi ở cũ cuộc sống khó khăn lắm, điều kiện đi lại rất không được thuận lợi nên muốn phát triển kinh tế, buôn bán, trao đổi con heo, con gà cũng khó. Từ khi lên Làng TNLN, mình thấy cuộc sống tốt hơn ở nơi cũ rất nhiều. Vị trí của làng cũng gần trung tâm xã nên người dân chúng tôi dễ dàng trao đổi, buôn bán sản phẩm nông sản, việc học hành của con em trong làng nhờ đó cũng được thuận lợi.”- anh Nghiệp chia sẻ đầy kỳ vọng.
Theo Ban Quản lý Làng TNLN Sơn Bua, hiện tại khu vực trung tâm làng đã có 22 hộ thanh niên xây dựng nhà và đang sinh sống ổn định, 8 hộ thanh niên khác đang tiến hành làm nhà. Ở làng, những hạ tầng cơ bản như điện, đường, nước sinh hoạt, khu vui chơi, nhà sinh hoạt văn hóa,... đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng và sản xuất của các hộ dân.
Quyết biến vùng đất khó thành miền đất hứa
Làng TNLN Sơn Bua do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi triển khai xây dựng tại xã Sơn Bua từ năm 2016 và chính thức đưa các hộ thanh niên lên lập nghiệp từ năm 2019. Đây là một trong 15 Làng TNLN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm giúp thanh niên địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức đời sống, phát triển kinh tế tại địa phương.
Dự án được quy hoạch trên diện tích 750ha, ước tính tổng mức đầu tư khoảng 46 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo kế hoạch, Làng TNLN Sơn Bua sẽ tuyển chọn 30 hộ là gia đình thanh niên vào định cư tại làng. Ngoài ra, còn có 150 hộ được hỗ trợ sản xuất để an cư tại chỗ nằm trong quy hoạch dự án Làng TNLN Sơn Bua. Mỗi hộ gia đình khi nhập “hộ khẩu” tại làng được giao 1.200m2 đất ở và đất vườn, hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp bò giống, heo, gà, cây giống và được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Để tránh đi theo “vết xe đổ” của một vài mô hình Làng TNLN ở một số tỉnh triển khai trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định việc xây dựng làng là nhiệm vụ lâu dài nên từ tiêu chí tuyển chọn thanh niên vào làng đến các mô hình phát triển kinh tế xây dựng để hỗ trợ cho thanh niên trong làng cũng được tính toán và bàn bạc kỹ.
“Khi Làng TNLN hình thành có rất nhiều thanh niên xin được vào làng, tuy nhiên, chúng tôi và chính quyền địa phương ưu tiên lựa chọn các hộ thanh niên vào làng là những người phải có ý chí, nhiệt huyết lập thân lập nghiệp, chịu mọi sự khó khăn, thử thách và tình nguyện gắn bó với làng dài lâu...”- anh Cao Lê Tùng Nghĩa- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết.
Với quyết tâm biến vùng đất khó trở thành miền đất hứa, từ khi đưa các hộ thanh niên vào làng lập nghiệp, các cán bộ của Tỉnh đoàn trong Ban Quản lý Làng TNLN Sơn Bua phải bám làng để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với hộ thanh niên. Bởi vậy, nên từ trồng cây chuối, cây bưởi đến nuôi heo, nuôi gà... việc nào Ban Quản lý làng cũng bắt tay làm trước và “cầm tay chỉ việc” để các hộ thanh niên làm theo.
Cơ sở hạ tầng trong làng được đầu tư cơ bản đồng bộ, tạo điều kiện nâng cao cuộc sống của các hộ dân và trẻ em trong làng |
Đưa chúng tôi đi dạo một vòng đầu làng đến cuối làng, anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn- một trong những người đã gắn bó với làng ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, thuyết minh tường tận cho chúng tôi về công tác triển khai quy hoạch, xây dựng làng, đến các giống cây trồng, vật nuôi được lựa chọn để hỗ trợ… Những người như chúng tôi dẫu không tường tận cho lắm về lĩnh vực này nhưng cũng dễ dàng bị thuyết phục bởi những mục tiêu, giải pháp mang tính khoa học và thực tế của dự án.
Để minh chứng cho hiệu quả của dự án mang lại, anh Nghĩa bày tỏ: Những ngày đầu tiên chúng tôi lên “lập làng” xung quanh nơi này toàn là núi non, đất đá lởm chởm. Bây giờ, sau gần 5 năm bền bỉ, bằng sức trẻ và ý chí, vùng đất hoang vu ngày trước đã khoác những gam màu tươi mới. Một ngôi làng mang đầy sức trẻ thanh niên đang dần định hình giữa đại ngàn với những ngôi nhà sàn kiên cố dọc theo tuyến đường bê tông quanh làng, những vườn chuối, vườn bưởi xanh tươi cùng với cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư đồng bộ.
Cuộc sống của người dân trong Làng TNLN ngày càng được nâng cao |
Trong chuyến trở lại Làng TNLN Sơn Bua lần này, đến thăm, gặp gỡ tiếp xúc với các hộ thanh niên trong làng, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hạnh phúc, cảm nhận rõ hơn tấm lòng của họ và ý chí quyết tâm gắn bó lâu dài với Làng TNLN, quyết tâm vươn lên bằng chính sức trẻ, sự hăng say lao động để lập thân, lập nghiệp.
Và trong câu chuyện với đồng chí Phó Bí thư Tỉnh đoàn cũng như các hộ thanh niên, dẫu trước mắt, vẫn còn một chặng đường dài khó khăn ở phía trước nhưng tôi cũng nghe nhiều về những niềm tin, ước vọng không xa về cuộc sống tốt đẹp.
Chúng tôi hy vọng với những gì đã và đang diễn ra nơi Làng TNLN Sơn Bua, cùng sự trợ lực của Tỉnh đoàn, các cấp, các ngành và sự chịu khó vươn lên của những hộ thanh niên vùng cao, họ sẽ xây dựng nên một ngôi làng mới đầy sức sống và là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở vùng sơn cước này.
BẢO NGỌC