(Baoquangngai.vn) – Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi năm 2018, hai nam sinh lớp 12 đến từ Trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức) đã xuất sắc đạt giải cao với đề tài “Robot tiện ích điều khiển bằng điện thoại thông minh” và “Giải pháp chống hạn hán trong nông nghiệp với loại SAP hữu cơ từ vỏ cam”.
TIN LIÊN QUAN
Robot chống trộm
Trò chuyện với Trần Quang Nhật, thí sinh giành giải nhất với đề tài “Robot tiện ích điều khiển bằng điện thoại thông minh”, chúng tôi thật sự thán phục trước cách ứng xử tự tin, thông minh của em.
Ý tưởng sản phẩm này được hình thành từ chính nỗi bức xúc của cá nhân với nạn trộm cắp đang hoành hành. Sau khi cuộc thi phát động, Nhật quyết tâm dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu ra robot tiện ích điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Nhật chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là khi bắt tay vào lập trình cho robot. Vì ở trường chỉ được học ngôn ngữ lập trình căn bản là Passcal nên em phải mày mò học các ngôn ngữ lập trình khác trên các diễn đàn”.
Robot thông minh có kích thước 27*22*10 cm, có thể di chuyển linh hoạt đa hướng trong nhà. Các cảm biến được gắn có thể thực hiện các thao tác báo trộm khi vắng nhà và đồng bộ hóa để điều khiển các thiết bị điện từ xa; nhận biết khi rò rỉ ga; quan trắc môi trường như: đo độ ẩm, nhiệt độ, cường độ ánh sáng.
Robot thông minh của Trần Quang Nhật. |
Khi được truy xuất, thiết bị có thể phản hồi các thông số trên bằng giọng nói. Người dùng có thể điều khiển robot qua smartphone. Chỉ cần thông qua smartphone đã được kết nối với robot, gia chủ có thể kiểm tra tình hình ngôi nhà mình bất cứ lúc nào, giúp người sử dụng có thể quản lý tốt hơn ngôi nhà của mình khi đang ở xa.
Theo Nhật thì thành công lớn nhất và ưu điểm vượt trội của robot là có thể điều khiển bằng các lệnh thao tác hoặc trực tiếp bằng giọng nói, nghe và xử lý được yêu cầu của người dùng. Với robot này, người dùng cũng có thể kịp thời đối phó khi có sự cố rò rỉ gas để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Nhật cho biết, robot thủ công vừa làm vừa thử nghiệm có giá khoảng 7 triệu đồng, tuy nhiên nếu hoàn chỉnh, sản xuất đại trà giá thấp hơn nhiều.
Chống hạn cho cây trồng từ vỏ cam
Nam sinh Trần Minh Thảo, bạn cùng trường với Nhật là thí sinh giành giải nhì với nghiên cứu: “Giải pháp chống hạn hán trong nông nghiệp với loại SAP hữu cơ từ vỏ cam”. Đề tài duy nhất của Quảng Ngãi lọt vào chung khảo cuộc thi cấp toàn quốc. Thảo là thí sinh từng lọt vào cuộc thi quý của Đường lên đỉnh Olympia.
Nam sinh Trần Minh Thảo. |
Mỗi khi đến hè lại xảy ra hạn hán, thiếu nước cung cấp cho cây trồng, Thảo nảy ra ý tưởng dựa trên công nghệ giữ nước cho cây trồng SAP (Superabsobent Polymers).
SAP là một loại Polymer (hợp chất cao phân tử) có khả năng hấp thụ và giữ lại lượng nước hay dung dịch lên đến 500 lần so với trọng lượng của chính nó, góp phần cải thiện độ ẩm cho đất và giúp cây có thể phát triển ổn định trong điều kiện thiếu nước cũng như giảm thời gian cho việc tưới tiêu.
Thảo nghiên cứu ra một loại SAP mới là Polymer tự nhiên tồn tại trong vỏ cam, giữ nước và chống hạn nhưng hoàn toàn không độc hại, thân thiện với môi trường cùng khả năng giữ và hút nước tốt.
Chất lỏng từ quá trình đun sôi quả cam, thu được dung dịch vỏ cam. Quả cam phơi khô và vỏ bơ được làm nóng cùng với dung dịch sôi trước đó xay ra bột vỏ cam trộn với vỏ cam, vỏ bơ phơi khô theo tỷ lệ thu được hỗn hợp vỏ cam.
Từ vỏ cam, Thảo đã nghiên cứu ra một loại SAP mới giúp chống hạn cho cây trồng. |
Thảo đổ hỗn hợp của mình vào 7 chậu cây, mỗi chậu nhận được 1 loại SAP khác nhau. Dùng máy đo độ ẩm trong suốt 21 ngày, kết quả cho thấy hỗn hợp vỏ cam thể hiện khả năng giữ nước tốt nhất so với các SAP còn lại có trên thị trường.
“Bón vào cây, cây nhận được loại SAP của mình nghiên cứu là cây phát triển tốt nhất, nhưng hấp thụ ít nước nhất, có nhiều hoa nhất. Chứng tỏ giải pháp này hiệu quả nhất”- Thảo bộc bạch.
Đề tài có thể ứng dụng hiệu quả trong việc giữ nước trong đất, được ứng dụng vào trồng các loại lương thực, hoa màu, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe con người.
Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng, thầy Nguyễn Thanh Cảnh cho biết: Từ khi cuộc thi phát động vào năm 2015, năm nào trường cũng có học sinh đạt giải. Có được kết quả trên là nhờ đổi mới trong phương pháp dạy và học.
Để duy trì và phát triển phong trào sáng tạo, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nhà trường đã giao cho giáo viên phụ trách bộ môn theo dõi, giúp đỡ các em có niềm đam mê sáng tạo, nhất là những học sinh lớp 10 vừa đạt giải tại cuộc thi này để giúp các em có những sản phẩm sáng tạo dự thi vào năm sau.
Bài, ảnh: A.KIỀU