Về quê bán... ý tưởng

06:02, 03/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bỏ công việc lương rất cao ở một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để về quê khởi nghiệp. Đi con đường của riêng mình khi đã hơn 33 tuổi, nhưng Trần Anh Tuấn (TP.Quảng Ngãi) đã chứng minh không bao giờ là quá muộn.

TIN LIÊN QUAN

“Tinh thần khởi nghiệp mà Tuấn đang mang lại là một luồng sinh khí mới. Từ khởi đầu của Tuấn, những người trẻ khác đã có được những ý tưởng hay và đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống”
Phó Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi NGUYỄN TIẾN DŨNG
Ngày rời khỏi công trường Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Tuấn chỉ mang duy nhất một cọc bê tông được khoan cắt sau sự cố vỡ đập chứa nước cực lớn ở đây, để nhắc mình không gì là không thể xảy ra.

“Cha đẻ” của bể bơi giá rẻ

Ngày Tuấn xin nghỉ việc chẳng ai dám nghĩ, chỉ sau mấy tháng anh đã thành công ngay trên mảnh đất Quảng Ngãi nghèo khó từ chính những ý tưởng khá lạ của bản thân và những cộng sự trẻ mà hầu hết là dân “gốc rạ”. Ý tưởng đầu tiên của Tuấn tạo được “uy tín” lớn là... bể bơi siêu rẻ.
 
Ngồi nhìn ba hồ bơi chật kín những đứa trẻ chơi đùa và được huấn luyện viên hướng dẫn kỹ năng bơi lội, Tuấn bảo, khi nghỉ việc để tìm cho mình lối đi mới, Tuấn không nghĩ sẽ làm sản phẩm này. Nhưng chính sự ra đi của 9 học sinh ở sông Trà Khúc, đã thôi thúc Tuấn phải làm nên bể bơi để rèn luyện kỹ năng bơi lội cho trẻ, nhưng đề bài là phải làm nhanh và giá phải cực rẻ, để ứng dụng được rộng rãi ngay.
 Anh Trần Anh Tuấn (bên phải) và cộng sự của mình đang tìm phương án để giúp ngư dân tận dụng hết khả năng của máy lọc nước biển. Ảnh: LÊ NINH
Anh Trần Anh Tuấn (bên phải) và cộng sự của mình đang tìm phương án để giúp ngư dân tận dụng hết khả năng của máy lọc nước biển. Ảnh: LÊ NINH


Thế là, Tuấn liền lên mạng lục tung từ “Á sang Âu” để tìm một mô hình bể bơi thích hợp. Trong lúc "bí", Tuấn nhớ lại chuyến đi Hàn Quốc được tận mắt thấy một hồ bơi làm bằng bạt rất đơn giản. Vậy là bắt tay ngay vào thực hiện, vừa vẽ, vừa kêu thợ sắt làm khung, mua bạt về thử nghiệm và đã thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm hồ bơi siêu rẻ mà Tuấn làm sau đó đã có mặt ở khắp nơi từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, Phú Yên, Gia Lai...

Sau những thành công của Tuấn, nhiều bạn trẻ theo gương Tuấn về Quảng Ngãi khởi nghiệp thay vì làm công ăn lương. Tuấn chia sẻ: “Khởi nghiệp thì có nhiều lựa chọn khác nhau. Không nhất thiết cứ “bám” lấy thành phố lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao ở quê nhà mà vẫn bán được ý tưởng đi khắp cả nước”. Tuấn ít kể về mình mà kể về những người bạn làm cùng, những người trẻ có ý tưởng đang ở TP.Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống đã về quê khởi nghiệp. Như máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân là sản phẩm được chàng trai Trương Quang Tùng  (27 tuổi) mang về từ Vũng Tàu.

Gần 13 năm lang bạc, Tùng trở về quê từ lời mời của Tuấn. Nhớ lại ngày đó, Tùng tâm sự: “Tôi làm cũng rất nhiều nghề, đi nhiều tỉnh, sau đó gắn bó với nghề lắp máy lọc nước biển. Công việc ổn, nhưng anh Tuấn bảo đem những sản phẩm này về quê cũng có thể làm giàu được. Thế là tôi về”.
 
“Tôi muốn tinh thần khởi nghiệp phải bắt đầu từ ý tưởng, thay vì mua ý tưởng về sản xuất bán với giá cao cho cộng đồng. Tôi tin chỉ cần có ý chí, ở đâu cũng là đường đi

Chủ nhân của “căn phòng khởi nghiệp” TRẦN ANH TUẤN
Hướng đến lợi ích cộng đồng

Từ ngày Tuấn khởi nghiệp đã có hơn 15 thành viên từ nhiều ngành nghề được tập hợp, cùng bàn thảo đưa ra ý tưởng, cùng nhau khởi nghiệp để thay đổi tư duy “rời làng mà đi” của thanh niên Quảng Ngãi. Tuấn chia sẻ: “Khởi nghiệp là phải làm cái gì đó mới lạ, nhưng phải là sản phẩm có ích cho xã hội”. Bể bơi siêu rẻ của Tuấn đang trở thành sản phẩm tối ưu cho việc dạy bơi cho trẻ, nhưng không tốn quá nhiều tiền và thời gian đầu tư. Anh đang bán đi ý tưởng cho cộng đồng bằng cách lắp một hồ bơi, sau đó hướng dẫn để những người ở xa có thể làm mà không phải bỏ chi phí vận chuyển từ Quảng Ngãi đi lắp đặt.

Hiện giờ, Tuấn và nhóm đang có những ý tưởng khác từ hồ bơi này. Anh cho rằng, đào hồ nuôi tôm quá tốn kém lại ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Tuấn muốn người dân sử dụng hồ bơi này nuôi tôm, vừa rẻ lại cho sản phẩm sạch hơn. Hay từ hồ bơi này nâng cấp thành bể chứa nước mưa ở các vùng khô hạn như: Ninh Thuận, Bình Thuận hay đảo Lý Sơn...

“Nhưng trách nhiệm của người trẻ khi khởi nghiệp không phải là làm giàu cho bản thân mà còn phải mang lại lợi ích cho cả cộng đồng”, Tuấn trải lòng. Và có lẽ đó cũng là lý do mà cách đây mười năm, Tuấn cùng một số người bạn hợp tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao tại Quảng Ngãi, khi sáng lập ra Trung tâm Văn hóa - Thể thao Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Xác định những lợi ích cho cộng đồng, nhóm khởi nghiệp của Tuấn đang tập trung phát triển ý tưởng hướng biển. Anh bảo ngư dân cần rất nhiều sản phẩm để có thể an tâm sản xuất và giảm bớt gánh nặng tổn phí. “Có như thế ngư dân mới có thể trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Tuấn tâm tình.

Từ những sản phẩm đã thành công, “căn phòng khởi nghiệp” Think Corner của Tuấn đã trở thành nơi lôi kéo nhiều người trẻ về lại quê nhà làm việc. Tất cả những ai có ý tưởng khởi  nghiệp có thể đến cùng bàn thảo để phát triển. “Khi thành công, thế hệ khởi nghiệp này sẽ tiếp tục nuôi và phát triển ý tưởng của những người trẻ hơn muốn khởi nghiệp. Tôi muốn các bạn trở về quê khởi nghiệp và từ đó bán ý tưởng đi khắp cả nước, xa hơn là ra thế giới”, Tuấn tự tin nói.

TRẦN LÊ - Ý NGUYỄN

 

.