(Baoquangngai.vn)- Ngoài những công trình, phần việc mang tính cấp thiết như làm đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng đường quê… trong những năm gần đây, tuổi trẻ Quảng Ngãi đã thực hiện một số công trình phần việc mang tính chiều sâu. Và một trong những công trình đó chính là thực hiện mô hình sinh kế nhằm giúp bà con đồng bào ở các huyện miền núi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức trong canh tác sản xuất của bà con đồng bào miền núi.
Cùng với 10 hộ gia đình khác trong xã, trong tháng 6 năm nay, niềm vui bất ngờ đến với gia đình anh Đinh Văn Tóa ở thôn Gò Gạo, xã Sơn Thành (Sơn Hà), khi được những thanh niên tình nguyện đến giúp gia đình anh đào ao và hỗ trợ tiền mua giống để anh thả nuôi cá.
Sau hơn 3 tháng nuôi, giờ đây, với hơn 2.000 con cá được anh thả nuôi ở 2 ao đang phát triển rất tốt. Gia đình anh Tóa đang rất kỳ vọng vào mô hình kinh tế này. Bởi, theo anh tìm hiểu thì nhiều hộ ở Sơn Hà đã thành công với mô hình nuôi cá nước ngọt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đinh Văn Tóa bày tỏ, cùng với sự hỗ trợ của thanh niên giúp đỡ đào ao và hỗ trợ tiền mua con giống, vợ chồng tôi còn học hỏi những người đã nuôi trước đó cách nuôi, cách chăm sóc để nuôi cá đạt hiệu quả. Hiện tại, cá trong ao phát triển rất tốt. Tôi dự tính là nếu nuôi đạt, không những có cá để ăn mà còn bán kiếm tiền và tiếp tục mua giống về nuôi tiếp để phát triển kinh tế.
|
Thanh niên giúp dân khai hoang, cải tạo đất để sản xuất |
Còn đối với vợ chồng anh Đinh Văn Buổi ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) bây giờ, thì những công đoạn chăm sóc lúa để cây lúa nước phát triển tốt, đạt năng suất cao không còn là chuyện xa lạ gì. Bởi, hơn 5 năm qua, kể từ khi cánh đồng ruộng bậc thang Tu La được ĐVTN khai hoang, vợ chồng anh và một số bà con ở trong thôn còn được thanh niên hướng dẫn cách trồng lúa nước.
Cứ đầu vụ, anh sạ xuống 5 ang giống thì đến cuối vụ thu hoạch được 22 bao lúa. Và, một năm 2 vụ, gia đình anh có hơn 40 bao lúa trong nhà. Đây là điều mà trước đó 5 năm vợ chồng anh không thể nào làm được.
Anh Đinh Văn Buổi cho biết: Hồi trước, mình phải vào tận trong rừng để làm rẫy, đi xa nhưng khi thu hoạch thì ít lắm, không đủ ăn. Từ khi thanh niên khai hoang rồi hướng dẫn làm lúa nước như thế này có lúa gạo ăn hoài , không đói nữa.
“Từ sự vận động, hỗ trợ của ĐTN và các hội, đoàn thể khác, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Giờ đây, ở Sơn Mùa, nhiều hộ gia đình thanh niên và bà con đã biết trồng lúa nước và trồng một cách có hiệu quả. Từ hiệu quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc khai hoang các vùng đất kém hiệu quả để dân có đất sản xuất”- anh Đinh Văn Sáu- Bí thư Đoàn xã Sơn Mùa chia sẻ.
|
Nhiều hộ gia đình thanh niên miền núi đã thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất |
Khai hoang, hướng dẫn trồng lúa nước, đào ao nuôi cá là 2 trong số nhiều mô hình sinh kế được Tỉnh đoàn và các cơ sở đoàn đưa đến cho bà con đồng bào ở các huyện miền núi trong thời gian qua. Những mô hình sinh kế này không chỉ giúp người dân cải thiện bữa ăn hàng ngày mà đây còn là mô hình phát triển kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, từ những mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức trong canh tác sản xuất của bà con đồng bào miền núi.
Anh Đặng Minh Thảo- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho hay, trước khi thực hiện mô hình, đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên phải đến từng hộ vận động bà con thay đổi nhận thức để chuyển đổi mô hình sản xuất. Ban đầu người dân còn chưa tin tưởng vào cách làm mới nhưng sau thời gian kiên trì vận động và thực hiện phương châm "cầm tay, chỉ việc", đi đầu làm gương đã có chuyển biến tích cực.
Có thể nói, việc "trợ lực", giúp bà con vùng cao thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp đã trao cơ hội để các hộ nghèo của huyện miền núi vươn lên thoát nghèo. Và hy vọng những vùng đất đồi, núi canh tác kém hiệu quả đã và đang được ĐVTN tiếp tục khai phá để làm những mô hình sinh kế trong thời gian tới sẽ giúp bà con đồng bào vùng cao sản xuất ngày càng hiệu quả.
B.Khánh