Vườn rau thanh niên của lính Trường Sa

02:09, 21/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Trường Sa, dù là đảo chìm hay đảo nổi, nơi nào cũng có những vườn rau thanh niên xanh mướt, được lính đảo chăm sóc bằng cả tấm lòng.

TIN LIÊN QUAN

Kể chuyện trồng rau trên đảo

Trên các đảo ở Trường Sa, thời tiết lúc nào cũng khắc nghiệt. Có lúc nắng như đổ lửa, có khi lại mưa bão, sóng gió mịt mù. Do đó, để có rau xanh là điều không hề đơn giản. Giữa những cơn gió biển ẩm ướt nhiều muối, việc chăm sóc vườn rau là cả một kỳ công. Ở đảo nổi như Trường Sa Lớn, vườn rau là một khoảng đất trống được che chắn kín gió.

Các chiến sĩ còn làm hẳn một nhà có mái che, để bảo vệ cho rau khỏi bị hơi muối từ biển phả vào. Rau xanh mà gặp hơi muối, thì bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm sóc của anh em coi như bỏ. Chiến sĩ Đỗ Tâm cho biết: “Vườn rau là tâm huyết, là công sức hàng tháng trời của anh em trên đảo. Phải ở đảo mới biết rau xanh quý giá như thế nào”.

Chiến sĩ đảo Đá Tây B đang chăm sóc “vườn rau thanh niên”.
Chiến sĩ đảo Đá Tây B đang chăm sóc “vườn rau thanh niên”.


 Các loại rau xanh vốn rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là thời tiết ở biển. Trồng rau trên đảo nổi đã khó, trên đảo chìm còn khó gấp bội. Vì là đảo chìm, không có đất, nên đoàn viên, thanh niên trên đảo Đá Tây B đã dùng những thùng composite trồng các loại như: Rau muống, mồng tơi, cải, rau thơm, rau sam... Đất và xơ dừa được đóng bao mang ra từ đất liền.

Thượng úy Trần Văn Phương, cho biết: Vườn rau thanh niên, do tuổi trẻ đảo Đá Tây B chung tay góp sức trồng và chăm sóc. Sở dĩ đoàn viên, thanh niên đảo Đá Tây B chọn công trình thanh niên, là vì vườn rau gần gũi, thiết thực nhất với đời sống anh em ở đảo. Nhờ có vườn rau, chất lượng bữa ăn của anh em được cải thiện hơn rất nhiều.

 Để có những vườn rau thanh niên, lính đảo Đá Tây B đã phải đổ mồ hôi, công sức chăm sóc, chống chọi với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt giữa đại dương. Vào mùa khô từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm, ở đảo ít mưa, nên không có nước tưới. Còn những ngày mưa, có nước thì trồng được nhiều hơn. Nhưng mưa thì gió nhiều, mang hơi mặn từ biển, nên rau rất dễ bị úa. Do đó, các chiến sĩ phải phân công nhau dùng lưới che chắn cho rau bớt gió và không bị nhiễm mặn. Để duy trì vườn rau, cứ 18 tháng, đảo sẽ nhận đất, xơ dừa từ các tàu hậu cần ra đảo để thay thế số đất đã bạc màu.

Mầm xanh giữa trùng khơi

Ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ hay nói đùa với nhau: “Rau là thuốc”. Vì rau xanh quý như vậy, nên việc thu hoạch rau cũng phải tuân thủ theo phương châm tiết kiệm. Nếu là rau muống thì việc hái tỉa rất công phu, phải hái xen kẽ, chừa lại những mầm nhỏ để dưỡng rau. Nếu hái hết các ngọn, có thể các gốc sẽ lụi tàn luôn, chứ không mọc mầm mới. Với rau cải, các chiến sĩ sẽ tỉa từng lá phía dưới thân cây để cây có thể phát triển tiếp, đẻ thêm lá và tiếp tục thu hoạch. Cứ thế cho đến khi nào cây cải trổ ngồng thì mới thu hoạch toàn bộ. Lúc này thân cây cải khá to, lính đảo sẽ tước vỏ, phần lõi chẻ ra luộc cùng với rau.

 Những ngày đi khắp các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, ấn tượng không thể phai mờ trong chúng tôi, chính là hình ảnh các chiến sĩ chăm sóc rau xanh bằng cả tấm lòng, trách nhiệm. Theo Đại tá Bùi Đình Dương - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), đối với dân đảo, lính đảo, rau xanh còn quý hơn cả cơm thịt. Nếu không có những luống rau xanh tươi tốt, không chỉ cơ thể cán bộ, chiến sĩ bị thiếu chất trầm trọng mà còn khiến cuộc sống trên đảo trở nên buồn tẻ.

 Những luống rau ở Trường Sa là những mầm xanh có sức sống thật mãnh liệt, cứ vươn lên không ngừng giữa mưa gió bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Đằng sau sức sống mãnh liệt ấy là biết bao tâm huyết, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên khó khăn, thử thách của thiên nhiên. Việc tăng gia rau xanh ở đảo không chỉ giúp nâng chất bữa cơm của cán bộ, chiến sĩ, mà còn là công việc giúp chiến sĩ thảnh thơi sau những giờ làm việc, đây còn là phong trào thi đua Quyết thắng giữa các đơn vị, để cùng nhau kiên cường bám đảo, gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của  Tổ quốc.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.