Câu chuyện cảm động về nữ xe ôm 9X trên đất đảo

09:05, 25/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Những chuyến tàu chở khách từ Cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn nổi hồi còi dài báo hiệu đã cập cảng cũng là lúc Phương có mặt tại cảng. Đảo mắt quanh mọi góc để tìm khách đi xe ôm, không giành giật, chèo kéo, dáng người nhỏ bé của Phương lọt thỏm giữa rừng người.

TIN LIÊN QUAN

Cuộc đời nhiều nỗi buồn
 
Tôi gặp Nguyễn Thị Minh Phương (23 tuổi), ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) vào một buổi chiều khi nắng đã tắt trên bầu trời. Chạy xe qua mấy con ngõ hẹp, trước mắt tôi là căn nhà cấp 4, ẩm thấp nằm sâu trong hẻm cụt. 
 
Đã 23 tuổi, nhưng người nhỏ bé, thoạt nhìn Phương như nữ sinh cấp 2. Chậm rãi và chân tình, câu chuyện có lúc đứt quãng vì nước mắt nghẹn ngào, Phương kể về cuộc đời của mình. 
 
Bố mất vì bị điện giật khi Phương còn là đứa trẻ ngây ngô. Vài năm sau, mẹ đi bước nữa với một người đàn ông cùng xã, Phương về sống cùng mẹ và cha dượng. Một đứa trẻ lên 5 đã lờ mờ cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống của hai mẹ con. 
 
Rồi mẹ và cha dượng sinh thêm ba đứa em, 1 gái, 2 trai. Không cùng huyết thống, nhưng cha dượng chăm lo, yêu thương Phương không khác gì con ruột của mình. Chính tấm lòng cao cả, tình yêu thương vô bờ của người cha dượng, khiến Phương luôn yêu quý và trân trọng gia đình mình.
 
Bố dượng Phương là người đàn ông cao thượng, nhưng đôi chân của ông không được lành lặn vì những năm tháng chiến tranh nên chỉ làm được việc nhẹ. Cả hai vợ chồng làm thuê đủ nghề quần quật suốt ngày, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn trăm bề.
 
Thương bố mẹ, ở cái tuổi lẽ ra được ăn học, vui chơi như bạn đồng trang lứa, Phương đã phải nặng gánh mưu sinh. Em nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. 
 
Phương kể: “Khởi nghiệp”, em đi giữ trẻ cho một gia đình gần nhà. Lúc nhận được 300.000 đồng tiền công cho tháng lương đầu tiên của mình em mừng đến rơi nước mắt. Thuở ấy, em chỉ mới bước sang tuổi 14.
 
Khi đã có chút “kinh nghiệm”, em tiếp tục công việc này ở TP. Quảng Ngãi rồi vào tận Sài Gòn. Hết giữ trẻ, Phương lại ra chợ đầu mối nông sản Thủ Đức làm thuê với tiền công 80.000 đồng mỗi đêm.
 
 
Phương chờ đón khách tại Cảng Lý Sơn.
Phương chờ đón khách tại Cảng Lý Sơn.
 
Dẫu có khó khăn, vất vã, nhưng Phương an ủi vì mình có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ luôn yêu thương, động viên các con cùng nhau vượt qua gian khổ.
 
Thế nhưng, bi kịch lại một lần nữa ập đến khi bố dượng em bị bệnh ung thư phổi quái ác. Sau một năm rưỡi trời, mẹ Phương vay mượn tiền chạy chữa khắp nơi, vốn liếng cạn kiệt, cuối cùng bố cũng ra đi bỏ lại bốn mẹ con với số tiền nợ khổng lồ.
 
“Sống là phải đấu tranh”, mẹ vẫn lấy quan niệm cuộc sống như thế để động viên Phương. Có lẽ triết lý ấy quá tàn nhẫn với em, bởi cuộc đấu tranh sinh tồn của các em quá khắc nghiệt. 
 
Cha mất, gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai mẹ và Phương. Phương bỏ việc giữ trẻ vào xí nghiệp làm công nhân mong kiếm được nhiều tiền giúp mẹ trả nợ. Kiếm được đồng nào, em lại chắt chiu, dành dụm gửi về quê phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống, nuôi các em ăn học. Tưởng chừng khó khăn rồi cũng qua đi. Nào ngờ…
 
Bi kịch nối tiếp những bi kịch. Năm năm sau ngày bố dượng qua đời, mẹ Phương lại bị bệnh rồi cũng về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh ung thư gan. Từ chỗ có cha, có mẹ, bốn chị em Phương bổng chốc mất hết những người ruột thịt, nỗi đau chồng nỗi đau, nợ chồng nợ. Cuộc đời đã không cho Phương một gia đình trọn vẹn, lại gieo thêm lắm nỗi trớ trêu. 
 
Trăm dâu đổ đầu tằm
 
Phương nghẹn ngào: Những ngày sau khi mẹ mất là những ngày cùng cực với em. Trăm dâu đổ đầu tằm. Có những lúc em có cảm giác như không thể chịu đựng thêm được nữa, nhưng tình thương của người chị với đàn em, vì di nguyện của ba mẹ trước lúc lâm chung, ba mẹ nói “dù có khó khăn, vất vả đến đâu cũng ráng cho các em tới trường”. 
 
Ban đêm, em rảo bước khắp xóm làng bán vịt lộn.
Ban đêm, em rảo bước khắp xóm bán trứng vịt lộn.
 
Thương các em mà Phương đã hy sinh tuổi thanh xuân của người con gái, trở thành trụ cột để lo toan cho cả gia đình, vừa làm người mẹ, làm chị chăm lo dạy dỗ 3 đứa em. 
 
Ban ngày ai thuê gì làm nấy. Đến đêm, Phương rảo bước khắp các hẻm trên đất đảo rao “Ai hột vịt lộn..!”. Mỗi đêm giỏi lắm em cũng chỉ bán được 40- 50 trứng vịt lộn, mỗi trứng bán đi, Phương kiếm lãi được 1.000 đồng.
 
Bấy nhiêu, chẳng thấm tháp gì với gia đình 4 miệng ăn, đang tuổi ăn tuổi lớn, rồi em sửa sang lại chiếc xe máy để hành nghề xe ôm.
 
Những chuyến tàu chở khách từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn nổi hồi còi dài báo hiệu đã cập cảng cũng là lúc Phương có mặt tại cảng. Đảo mắt quanh mọi góc để tìm khách đi xe ôm, không giành giật, chèo kéo, dáng người nhỏ bé của Phương lọt thỏm giữa rừng người.
 
Ngồi trước hiên nhà, đôi mắt buồn rười rượi, bàn tay gầy gò, nhăn nheo đếm mấy đồng tiền công vừa đi một “cuốc” xe ôm chở khách du lịch trên đảo tìm nhà nghỉ về, Phương tâm sự: “Thấy con gái chạy xe ôm ai cũng ngạc nhiên, nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh gia đình mình như thế nên phải cố gắng kiếm sống nuôi các em. Được cái tụi nhỏ cũng ngoan nên em được an ủi phần nào”.
 
Chuyện hành nghề xe ôm của em cũng có lúc cười ra nước mắt. Em hay bị khách “chê” nhỏ con, dành xe chở lại Phương. Những lúc như thế, Phương vẫn được khách trả công, vì thương cho thân gái dặm trường.
 
Đội ngũ xe ôm hành nghề trên đảo mỗi ngày một đông, ngày nào thuận lợi em cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn. Số tiền này em lo cơm nước cho cả nhà. 
 
Tôi đề cập chuyện lập gia đình, Phương bảo: Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng. Mà lấy chồng ai sẽ nuôi các em? Bây giờ em chỉ mong an bình đến với gia đình sau những biến cố, có sức khỏe kiếm tiền nuôi các em”.
 
Lúc chia tay, Phương ra tận cảng tiễn tôi về đất liền, sương đêm vẫn còn giăng đầy đất đảo. Dáng người nhỏ bé của em khuất dần trong cảnh vật một màn trắng mờ. Nếu có phép màu về trên thế gian, tôi xin những phép màu hãy mang đến cho ngôi nhà của bốn chị em Phương.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.