Hỗ trợ vay vốn cho thanh niên: Rất cần những "cú hích"...

10:05, 22/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm qua, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong việc tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn vay còn khiêm tốn, một số cơ sở đoàn chưa nhiệt tình nên công tác hỗ trợ vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ĐVTN trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Cùng với các hoạt động, phong trào tình nguyện, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn tích cực triển khai phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp. Nhờ nhiều biện pháp tích cực, chủ động, các nguồn vốn vay dành cho thanh niên phát triển kinh tế đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
 
 
Theo thống kê, tổng dư nợ ủy thác do Đoàn Thanh niên quản lý tính đến thời điểm này ở mức khoảng 231,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn TW khoảng 224, 4 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn địa phương là  trên 7 tỷ đồng, tổng số tổ tiết kiệm và vay vốn là 344 tổ. Từ nguồn vốn vay ủy thác này, cùng sự đồng hành của tổ chức đoàn đã giúp nhiều hộ gia đình thanh niên nông thôn, trong đó có nhiều thanh niên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 
 
Anh Hồ Văn Tâm- Bí thư đoàn xã Trà Quân (Tây Trà) cho bày tỏ: Nếu như thanh niên ở miền núi những năm trước còn e ngại trong việc vay vốn thì nay mạnh dạn hơn trên con đường lập nghiệp. Không ít thành niên địa phương nhờ nguồn vốn vay này mà có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuẩt, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tạo thêm việc làm cho gia đình. 
 
Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, các tổ chức Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức tập huấn nghiệp vụ vốn vay cho cán bộ Đoàn cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn.  Qua đó, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, hoạt động Đoàn đã kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp người sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.
 
Đối với nhiều thanh niên, vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo việc làm, khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất.
Đối với nhiều thanh niên, vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo việc làm, khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất.
 
Song, thực tế cho thấy, công tác trợ vốn cho thanh niên hiện vẫn chưa đủ "lực" để thanh niên phát triển kinh tế như mong muốn. Số thanh niên được vay vốn còn khá khiêm tốn. Nhiều thanh niên có ý chí, có kế hoạch làm giàu nhưng rất khó lập nghiệp do thiếu vốn.
 
Anh Đinh Quang Hiếu ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) cho biết: Mình đang có một trang trại sản xuất nấm, hiện, mình muốn đầu phát triển thêm trang trại trồng nấm nên cần có nguồn vốn lớn khoảng 100 triệu đồng. Song, thông qua kênh vay vốn thanh niên, mình chỉ vay được tối đa 20 triệu đồng. Số tiền được vay không đủ để mở rộng sản xuất nên rất khó để mình phát triển kinh tế. "Vay ở các ngân hàng thương mại thì phải có thế chấp, trong khi đối với thanh niên thì việc đứng tên nhà, đất để thế chấp là không dễ"- Hiếu trăn trở. 
 
Trường hợp của anh Hiếu, chỉ là một ví dụ điển hình. Thực tế, nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế và làm giàu của thanh niên nông thôn trên địa bàn là rất lớn. Dù các nguồn vốn cho thanh niên vay từ các kênh như: Chương trình 120 (Trung ương Đoàn), vốn hộ nghèo… là không ít, tuy nhiên số thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu. Chính sách vay vốn còn bó hẹp cộng với số tiền vay ít nên thanh niên khó thực hiện được dự án lập nghiệp và làm giàu từ nguồn vốn này. 
 
Anh Võ Thành Tâm- Bí thư huyện đoàn Sơn Tịnh bày tỏ: Để tiếp cận nguồn vốn vốn ưu đãi do tổ chức đoàn quản lý, thanh niên phải là hộ nghèo mà đa số thanh niên không thuộc diện hộ nghèo, nên không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng. Hoặc nếu chưa tách hộ thì không được chồng kênh, nghĩa là bố hoặc mẹ chưa đứng tên vay ở các tổ chức khác. 
 
Đồng thời, muốn vay số tiền lớn thanh niên phải phải chứng minh được hiệu quả của  mô hình sản xuất - kinh doanh và một số trường hợp phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, đa số ĐVTN còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng tiềm lực kinh tế chưa có, nên không thể có tài sản để thế chấp. Vì vậy nên nhiều thanh niên chưa tiếp cận được nguồn vốn này để lập nghiệp. 
 
Không ít thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Không ít thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
 
Anh Đặng Minh Thảo- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Nhìn chung, số dư nợ của Đoàn thanh niên còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của thanh niên hiện nay. Trong thời gian tới, để thanh niên tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, Tỉnh đoàn đã kiến nghị với Trung ương Đoàn hàng năm, cân đối bổ sung nguồn vốn vay 120 cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quan tâm tạo điều kiện để Đoàn thanh niên được nhận ủy thác vốn vay từ các chương trình nhiều hơn, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của Đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.
 
Thiết nghĩ, để động viên những thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay. Các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa tạo điều kiện cho đồng vốn ưu đãi sớm đến với thanh niên nông thôn.
 
 
 
Bảo Ngọc
 
 
 

.