(QNĐT)- Sau 10 ngày được rèn luyện trong môi trường quân đội, tại Đại đội huấn luyện thuộc Trung đoàn 887 (Nghĩa Hành), 167 "chiến sỹ nhí" đã có những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Tuy thời gian của chương trình Học kỳ trong Quân đội không quá dài, những cũng đủ để làm nên một gia đình lớn của 167 "chiến sỹ nhí".
TIN LIÊN QUAN
Đây là năm thứ 2, Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức chương trình Học kỳ trong Quân đội nhằm giúp các em thanh thiếu nhi có được sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực vào dịp hè.
Không chỉ rèn “chất thép”...
Với chủ đề “Trải nghiệm trong quân đội”, chương trình Học kỳ trong Quân đội năm 2013 diễn ra từ ngày 5/6 đến ngày 14/6 tại Đại đội huấn luyện thuộc Trung đoàn 887 (Nghĩa Hành).
Sau 10 ngày sống trong môi trường quân đội, được trở thành những chiến sĩ thực thụ, được học tập, rèn luyện một số nội dung về tác phong, kỹ thuật, chiến thuật, thao luyện, chinh phục thử thách... với những kỷ luật "thép". Qua phút bỡ ngỡ ban đầu khi mới đặt chân đến đây, các em với quân phục, hàng ngũ chỉnh tề đã nhanh chóng thực hiện theo đúng điều lệnh quân đội dưới sự hướng dẫn của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 887.
Cùng nhau tập thể dục buổi sáng. |
Tuy rèn luyện vất vả trong môi trường quân ngũ giữa cái nắng oi ả của mùa hè, các chiến sĩ nhí phải thức khuya, dậy sớm đúng giờ, làn da trắng trẻo ngày nào giờ cũng sạm đen bớt... nhưng 167 chiến sĩ nhí ai cũng hào hứng khi nhắc đến, với những cung bậc tình cảm khác nhau.
"Chiến sĩ nhí" Phạm Nhật Minh hào hứng: Mới ban đầu làm quen em rất bỡ ngỡ và lo lắng vì kỷ luật “thép” trong môi trường quân đội và cả những bữa cơm bộ đội lạ lẫm khác xa ở nhà. Nhưng khi được làm quen, được tham gia các trò chơi, hành quân, tăng gia sản xuất, tập luyện thao trường như anh bộ đội cụ Hồ thì em thực sự thích thú. Ngoài giờ luyện tập chúng em được tham gia các buổi sinh hoạt tập thể, chơi những trò chơi bổ ích, được làm quen với nhiều bạn.
Trải qua Học kỳ trong Quân đội, những chiến sĩ nhí mới ngày nào còn quen với cuộc sống được nuông chiều, những sinh hoạt cá nhân đều được sự giúp đỡ của bậc phụ huynh thì bây giờ những sinh hoạt cá nhân các em đã tự mình làm được một cách khá thuần thục.
Khi được hỏi cảm tưởng khi tham gia chương trình, "chiến sĩ nhí" Trương Quang Hữu Đức bộc bạch: Đây là lần đầu tiên em được làm quen với môi trường quân đội, được thử sức mình bằng cách vượt qua những khó khăn, thử thách mà lúc ở nhà em chưa bao giờ phải làm.
"Ở đây, chúng em được chia thành các tiểu đội, được phát một cái chén, một đôi đũa, ăn cơm theo khẩu phần ăn giống của các chú bộ đội, khi ăn xong phải tự rửa và bảo quản cho những bữa ăn tiếp theo; được các chú bộ đội hướng dẫn tập thể dục, làm nội vụ như gấp chăn màn, sắp xếp quân tư trang, các bài võ thuật trong quân đội, vượt vật cản, hướng dẫn các tư thế vận động trên chiến trường… Qua đó, em đã học được rất nhiều điều, nhất là tính kỷ luật và tính gọn gàng, ngăn nắp"- Đức khoe với chúng tôi.
Còn "chiến sĩ nhí" Nguyễn Trần Khánh Trâm nhanh nhảu: "Bây giờ em đã biết tự giặt quần áo, rửa chén, phơi quần áo và gấp chăn màn rồi. Đây là những việc mà trước giờ toàn mẹ làm giúp, nên em thấy rất vui"
...mà còn nuôi dưỡng điều tốt đẹp
Có thể thấy, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên, các bậc cha mẹ đều mong muốn mang lại cho con mình những điều tốt đẹp nhất, nhưng cũng chính từ sự yêu thương chăm sóc, cưng chiều của cha mẹ khiến không ít em ỷ lại, thờ ơ, vô tâm với người khác, thiếu kỹ năng sống, dễ nản lòng trước khó khăn... Học kỳ trong Quân đội đã tạo ra một môi trường mới để các em bước đầu thử nghiệm với những gian khó trong cuộc sống, khơi dậy ngọn lửa yêu thương, quan tâm sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình vốn nhiều lúc bị che lấp bởi những lo toan trong cuộc sống.
Tăng gia sản xuất cùng các chú bộ đội |
Chị Hà Thị Anh Thư- Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Trong chương trình Học kỳ trong Quân đội, ngoài việc cho các em có những trải nghiệm trong môi trường quân ngũ thì chúng tôi còn lồng ghép vào đó nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó chú trọng giúp các em hình thành thói quen tốt, bỏ thói quen xấu; biết yêu thương, trân trọng tình cảm đẹp với ông bà, cha mẹ, bạn bè và mọi người xung quanh; chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh; thực hành xã hội, giao tiếp ứng xử biết cách ứng phó và trang bị kỹ năng xử lý tình huống trong những điều kiện khó khăn...
"Từ những khơi gợi ban đầu ấy, khi trở về cuộc sống thường nhật, chính các em và gia đình, nhà trường, môi trường sống xung quanh sẽ giúp các em tiếp tục hoàn thiện những điều tốt đẹp"- chị Thư tin tưởng.
Điều này minh chứng rất rõ qua từng trang nhật ký, từng lá thư do chính các em viết gửi về gia đình. Dù những lá thư rất hồn nhiên như: “Ba mẹ ơi, con thương ba mẹ nhiều lắm", hay " Con đã tự giặt quần áo cho mình rồi", "Con biết gấp chăn, màn quần áo đúng như anh bộ đội cụ Hồ...” nhưng không ít phụ huynh sau khóa huấn luyện rất vui.
Nhiều phụ huynh hiểu hơn về con em mình, cũng như các em cảm nhận sâu sắc được sự quý giá của mái ấm gia đình mà mình đang có. Chị Nguyễn Thị Hoàng Linh chia sẻ, tuy chương trình rất ngắn, nhưng cũng đã tạo cho con chị học được cách sống tự lập, biết suy nghĩ, sống yêu thương mọi người, thương ba mẹ hơn bởi lúc ở nhà luôn dựa dẫm, ỷ lại vào ba mẹ tất cả mọi việc.
Các "chiến sĩ nhí" rèn luyện được tính kỷ luật qua những cuộc hành quân. |
Không chỉ vậy, trong chương trình Học kỳ trong Quân đội, với những bài học về lịch sử oai hùng của dân tộc, của quê hương đất nước, ý thức sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc; biết chia sẻ với các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng... đã góp phần giáo dục, nuôi dưỡng trong các em về lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, và qua đó hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trở nên gần gũi, thân thương hơn và đời thường hơn.
Học kỳ trong Quân đội năm 2013 khép lại trong những cái ôm, sự tiếc nuối và cả những giọt nước mắt của các "chiến sỹ nhí". Trở về với cuộc sống đời thường, tuy không kỳ vọng quá nhiều vào sự “lột xác” ở các "chiến sĩ nhí", nhưng những ngày học tập, rèn luyện trong chương trình Học kỳ trong Quân đội đã thổi luồng gió mới, tác động tích cực đến suy nghĩ và nhận thức của các em.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc