(QNĐT)- Nhặt được chiếc túi có chứa vàng cùng với chiếc điện thoại, nhưng không tham của rơi, anh Bùi Văn Chính (30 tuổi), ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, chủ bếp ăn tình thương tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Phổ Cường- Đức Phổ) đã cất giữ cẩn thận và tìm người đánh mất để trả lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi tìm đến Bệnh xá Đặng Thùy Trâm để tìm gặp anh Bùi Văn Chính, tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện trên môi. Sau một hồi trò chuyện, khi nhắc lại chuyện nhặt của rơi trả lại người mất, anh Chính vẫn còn nhớ như in: Lúc đó, khoảng 22 giờ, ngày 2/7, anh đi bộ ra cách nhà anh khoảng gần 20 mét, dưới ánh điện đường, anh Chính phát hiện một chiếc điện thoại và túi ni lông đen ai đó đánh rơi nằm ngay lối đi trước mặt.
Anh Chính chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nghèo. |
Anh không biết bên trong túi là gì nhưng khá nặng, không một chút nghĩ ngợi, anh đem túi đồ cùng với điện thoại về bảo vợ cất trong tủ để ngày mai ai mất thì mình trả lại.
Sáng hôm sau, nghe tin ông Trần Đình Lập ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ) bị mất điện thoại cùng với túi đồ, qua mô tả của ông Lập phù hợp với túi đồ và chiếc điện thoại di động anh nhặt được tối qua, anh liền gặp ông Lập trả lại số tài sản anh nhặt được.
Theo ông Lập, tối hôm đó, ông đem vàng đi bán để gửi vào cho con ở Sài Gòn, nhưng chưa bán được, trong lúc đi về khi đi ngang qua bệnh xá Đặng Thùy Trâm thì sơ ý đánh rơi.
"Sau khi trả đồ bị mất lại cho ông Lập thì anh mới biết bên trong túi đồ có chứa vàng, nghe đâu trên 5 chỉ vàng 24K gì đó. Bởi ngay lúc nhặt được, anh chỉ có ý nghĩ là giữ hộ người mất và sẽ tìm người mất để trả lại chứ anh cũng chẳng quan tâm bên trong túi đồ chứa gì"- anh Chính thật thà.
Chúng tôi hỏi, sao anh không giữ lại số vàng này, nếu như anh đem số vàng này đi bán thì ít nhất cũng bằng số tiền nửa năm vợ chồng anh làm việc cật lực? Anh Chính chia sẻ: Cuộc sống cũng không khấm khá gì tuy nhiên với anh cái gì không phải của mình thì thôi, thật thà mới là điều đáng quý nhất ở con người. Sau khi anh trả lại đồ, cảm động trước nghĩa cử cao đẹp, ông Lập tỏ ý đưa ít tiền hậu tạ nhưng anh một mực từ chối.
Là con trai út trong số 4 anh em, cũng như nhiều gia đình khác ở vùng quê nghèo Phổ Cường, ngoài đồng lương ít ỏi của người mẹ là nhân viên y tế trạm xá, bố làm bảo vệ tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, cuộc sống của gia đình anh Chính dựa vào 4 sào đất trồng lúa, hoa màu.
Thấy kinh tế gia đình khó khăn nên sau khi học hết cấp 3, anh Chính nghỉ ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Năm 2009, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Chính được cha mẹ cho ít tiền mở quán ăn và bán nước giải khát nhỏ nằm ngay cạnh Bệnh xá Đặng Thùy Trâm để mưu sinh và làm nơi ở.
Với bản tính hiền lành, thật thà, anh được bệnh xá tin tưởng giao anh phụ trách bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo địa phương khi đến khám và điều trị tại bệnh xá. Thu nhập của vợ chồng anh Chính từ bán nước giải khát cho khách đến tham quan và nấu ăn cho bệnh nhân tại bệnh xá chỉ khoảng trên 1,5 triệu đồng/tháng. Và hiện kinh tế gia đình anh Chính chật vật hơn khi phải nuôi đứa con nhỏ mới hơn 3 tuổi, còn vợ thì đang mang thai.
Gia cảnh khó khăn là thế, nhưng anh Chính được người dân xung quanh rất thương mến vì lòng tốt của anh. Bởi đây không phải là lần đầu tiên anh nhặt được của rơi trả lại cho người mất, mà từ ngày mở quán cạnh bệnh xá, anh đã có nhiều lần nhặt được tài sản khách tham quan bệnh xá đến uống nước để quên, lúc thì cái bóp, lúc thì điện thoại... và anh đều cất giữ cẩn thận, tìm cách trả lại cho khổ chủ.
Nói về việc làm của mình, anh Chính chỉ cười giản dị: “Khi mất của thì ai chẳng thấy xót, muốn tìm lại cho kỳ được. Bởi thế nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là việc nên làm". Với nghĩa cử cao đẹp này, hành động của anh Chính rất đáng được tuyên dương.
Đức Lê