(QNĐT)- Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước là một chủ trương đúng đắn. Tại Quảng Ngãi có 52 trí thức trẻ được lựa chọn về công tác tại 52 xã thuộc 6 huyện miền núi. Hầu hết các bạn trẻ sẵn sàng tình nguyện về vùng nghèo khó để thử lửa, cống hiến...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước khi nhận nhiệm vụ chính thức tại các địa phương, 52 trí thức trẻ của Quảng Ngãi (trong số 600 trí thức trẻ cả nước) có thời gian 3 tháng đào tạo những kỹ năng cơ bản về quản lý nhà nước, đặc biệt là những trí thức trẻ được trực tiếp "ăn, ở" cùng với người dân. Sau đó, mỗi trí thức trẻ tự xây dựng đề án để làm sao đưa kinh tế-xã hội của xã mình về thực tế phát triển. Điều đáng nói là những trí thức trẻ đã hoàn thành khóa đào tạo rất tốt, đặc biệt có nhiều bạn trẻ được đánh giá khá cao với những góp ý và định hướng phát triển khá thực tế tại địa phương.
Những thanh niên dám bỏ phố lên rừng
Trong số 52 trí thức trẻ được tuyển chọn lần này, theo đánh giá của Bộ Nội vụ cũng như Sở Nội vụ Quảng Ngãi thì đây là những thanh niên có chuyên môn phù hợp yêu cầu của nhiều địa phương, trong đó có nhiều bạn trẻ đã đi làm và ít nhiều có kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, họ có một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng đi đến những vùng khó khăn nhất, để góp phần đưa địa phương phát triển.
Bạn Lê Thị Thanh Điểm, quê thị trấn Sơn Tịnh, tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội tự nhiên TP. Hồ Chí Minh loại khá. Sau khi tốt nghiệp, Điểm được một Trường THPT có tiếng ở tỉnh Vũng Tàu nhận về làm giáo viên. Thế nhưng khi nghe có dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã vùng khó khăn, Điểm mạnh dạn đăng ký tham gia.
Khi được hỏi lý do mà Điểm bỏ phố lên rừng, lại là con gái nữa, Điểm chia sẻ: Với tuổi trẻ thì yếu tố đầu tiên là phải biết cống hiến. Đất nước mình còn nghèo, nhất là những vùng sâu vùng xa. Hồi còn trên ghế nhà trường, dù là con gái nhưng Điểm vẫn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện giúp đồng bào vùng sâu vùng xa. Có đi thực tế mới hiểu được những khó khăn mà đồng bào nơi đây đang gặp.
Những trí thức trẻ vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước do Bộ Nội vụ tổ chức và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. |
Cùng chung suy nghĩ đem sức mình giúp vùng nghèo khó, cô gái Nguyễn Thị Tiên Hà, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cũng háo hức không kém. Tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng năm 2011. Sau đó Hà vào làm kế toán ở một công ty tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi nghe dự án tuyển trí thức trẻ thế là Hà đăng ký tham gia, điều đáng nói là Hà được gia đình ủng hộ.
Hà tâm sự: Em sinh ra và lớn lên tại thị trấn Trà Xuân, nói là thị trấn nhưng đây là địa bàn của một huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn. Bản thân em đã hiểu được phần nào đời sống, tập quán của người dân địa phương. Chính vì vậy mà khi được phân đi thực tế một thời gian tại xã Trà Thanh, huyện Tây Trà, em đã nhanh chóng tiếp cận được công việc.
Trong 52 trí thức trẻ tỉnh Quảng Ngãi lần này có 16 người được phân công về huyện Ba Tơ, 9 người được phân về huyện Sơn Hà, 8 người về huyện Sơn Tây; 8 người về huyện Tây Trà; 7 người được phân về huyện Trà Bồng và 4 người về huyện Minh Long.
|
Phụng tâm sự, khi nộp hồ sơ xin việc ở xã Ba Nam, nhiều người hơi ngạc nhiên bảo sao không xin về thành phố, hoặc ít nhất là huyện cho sướng... nhưng Phụng nói về xã thì cơ hội công hiến nhiều hơn.
Công tác tại xã được 3 năm, khi nghe có dự án, Phụng đã đăng ký ngay và cũng may là được chọn. Vừa rồi, có một may mắn nữa là Phụng được phân về ngay xã Ba Nam để đi thực tế. Nói thật, sau 3 năm công tác tại xã, Phụng đã nhiều lần đi thực tế tại các thôn xa xôi, hẻo lánh, đã tiếp cận và ăn ở cùng bà con đồng bào. Thuận lợi nữa là Phụng lại nói được khá chuẩn tiếng của đồng bào nên Phụng nghĩ, sau khi được phân về xã, Phụng sẽ làm được nhiều điều để giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo....
Cần sự hỗ trợ từ các cấp
Có thể nói, dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, bởi một thực tế cho thấy, hiện nay đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc huyện nghèo còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, cũng như năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo ông Vũ Đăng Ninh-Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều cán bộ xã không đủ điều kiện để cử đi đào tạo nâng cao trình độ, trong đó cán bộ có trình độ phổ thông khá nhiều, cán bộ có trình độ sơ cấp và trung cấp, đặc biệt là trình độ cao đẳng và đại học chiếm tỷ lệ khá ít. Chính vì vậy, việc đưa các trí thức trẻ tình nguyện có trình độ đại học về xã công tác để giúp cấp ủy, chính quyền các xã nghèo, đặc biệt là xã miền núi lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững là điều rất cần thiết hiện nay.
Ông Vũ Đăng Ninh-Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ khen thưởng cho những đội viên dự án có thành tích xuất sắc sau lớp bồi dưỡng kiến thức. |
Tuy nhiên, một thực tế hiện hay là hầu hết các trí thức trẻ đều là những người mới tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, để làm tốt công tác của một Phó Chủ tịch xã thì ngoài nỗ lực phấn đấu của các trí thức trẻ được phân công về địa phương thì các cấp chính quyền cơ sở xã, huyện và người dân cần tạo điều kiện giúp đỡ cho các trí thức trẻ, khích lệ, tạo điều kiện cho họ thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tạo điều kiện thực hiện chế độ chính sách, cơ chế, đặc biệt là về chế độ lương nhằm động viên kịp thời các trí thức trẻ.
M.Toàn