(QNg)- Ở Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới (thuộc Trung đoàn BB887), quá trình huấn luyện được kết hợp với công tác dân vận đã rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trưởng thành về mọi mặt. Phát huy sức trẻ của mình, các chiến sĩ thường xuyên tham gia xây dựng kênh mương, đường sá... Từ đó đã làm sáng lên bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày này, người dân thôn Yên Ngựa (Long Sơn, Minh Long) đang bước vào vụ lúa mới. Nếu như vụ mùa trước, việc thiếu nước gieo sạ đã khiến bà con vất vả, thì vụ mùa này nước đã về từng thửa ruộng. "Vui lắm! Cũng là nhờ bộ đội mình cả đó. Không có con mương do bộ đội làm để dẫn nước về thì ruộng mình không biết phải làm gì nữa?"- ông Đinh Út xúc động nói. Con mương mà ông Út nói được các chiến sĩ của Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới "thông dòng" vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua. Đây là con mương duy nhất nối suối Lôm với cánh đồng Nhung, có chiều dài hơn 3km. Được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hì hục khiêng từng tảng đá, phát quang từng bụi cây để tạo dòng chảy mới thấy hết giá trị của con mương này.
Các chiến sĩ của Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới cùng với nhân dân thôn Yên Ngựa (Long Sơn, Minh Long) ngăn dòng suối Lôm, đưa nước về đồng. |
Trưởng thôn Yên Ngựa Đinh Văn Bút cho biết: "Cánh đồng Nhung rộng hơn 5ha, chủ yếu sử dụng nước trời để gieo sạ. Điều này khiến năng suất lúa không được cao. Do đó, để tăng năng suất lúa thì phải đảm bảo nước tưới thường xuyên. Muốn có được điều này thì chỉ còn cách ngăn dòng suối Lôm, mở một con mương đưa nước về đồng. Việc này khó khăn lắm, không có bộ đội cùng làm với dân thì không được đâu!".
Hơn 50 chiến sĩ của Đại đội huấn luyện cùng với 60 người dân trong xã Long Sơn đã cùng chung sức, chung lòng hoàn thành con mương. Dân Yên Ngựa nói vui: "Công trình thế kỷ của thôn mình đó". "Ngày thường khó tập hợp cho đủ 60 người dân để sửa chữa các công trình thủy lợi. Nhưng khi có bộ đội về, người dân trong thôn từ già- trẻ, gái- trai đều mang cuốc, xẻng, rựa ra xắn tay làm cùng với lính"- ông Bút nói. Còn đoàn viên Đinh Thị Liên thì bộc bạch: "Thấy các anh về từ sớm, mình cũng ra đây để cùng các anh dẫn nước về đồng. Mình vui vì được sát cánh với bộ đội, giúp dân làng mình có nước gieo trồng". Còn binh nhì Phạm Đại Nghĩa mặt mày nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn cười. Nghĩa bảo, quê Nghĩa ở TP Quảng Ngãi nên không quen việc nạo vét kênh mương. Nhưng đến đây, được chung tay cùng với đồng đội chinh phục dòng nước của suối Lôm đã khiến Nghĩa không còn biết mệt nữa.
Thượng tá Đỗ Văn Tẩn- Chính ủy Trung đoàn BB887, cho biết: Năm nào cũng vậy, Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới cũng tổ chức 2 chuyến về giúp người dân của huyện miền núi Minh Long. Khi thì mở đường, lúc xây dựng, sửa chữa kênh mương, phát quang đường sá. Công tác dân vận đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức, bản lĩnh chính trị, xác định rõ nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Thông qua hoạt động hành quân kết hợp làm công tác dân vận và bằng những việc làm thiết thực của đơn vị đã để lại trong lòng đồng bào - hình ảnh tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".
Không những phát huy sức trẻ ở những nơi dân cần, các chiến sĩ của Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới còn biết tạo nên dấu ấn của tuổi trẻ ngay tại đơn vị. Đến Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi thật ấn tượng với các "vườn rau của lính" được bố trí khoa học, đầy đủ các loại rau xanh. Dẫn chúng tôi đi "khảo sát thực tế", Đại úy Lê Nam Phương- Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn BB887, cho biết: Trong những năm gần đây, đơn vị luôn đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, tự túc được thực phẩm, nên đời sống cán bộ, chiến sĩ được nâng cao.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU