(QNg)- Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Cảm nhận được điều ấy, đồng bào dân tộc Hrê ở huyện miền núi Minh Long đã và đang dần thay đổi những quan niệm sai lầm về hiến máu vốn đã tồn tại lâu nay…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nếu như năm 2006, hầu hết thanh niên người Hrê đều không chịu tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN) vì sợ cho máu xong sẽ… chết! Nhưng đến nay, suy nghĩ này đã được thay bằng tinh thần hăng hái, nhiệt tình bởi họ biết rằng: Hiến máu không có hại. Hiến máu là cứu người…
Anh Chương tốt bụng
"Lần đầu tiên hiến máu mình cũng sợ, nhưng lại không đành lòng nhìn người bệnh phải chết chỉ vì thiếu máu"- anh Đinh Chương ở thôn Đồng Rinh (Thanh An), một trong những thanh niên có số lần tham gia HMTN nhiều nhất huyện Minh Long bộc bạch. Anh Chương bảo rằng, cách đây khoảng 6 năm thì khái niệm "hiến máu" với anh còn xa lạ dù lúc ấy, anh là một bí thư Chi đoàn năng nổ. Một lần đến Trung tâm Y tế huyện (TT) thăm người thân bị ốm, anh đã chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân đang phải vật lộn giữa sự sống và cái chết chỉ vì thiếu máu, trong khi nguồn máu dự trữ không còn. "Điều ấy đã ám ảnh mình mãi, nhưng hiến thì sợ… chết, không hiến thì dằn vặt lương tâm" - anh Chương nói.
Đoàn viên thanh niên huyện Minh Long tham gia hiến máu tình nguyện. |
Đó là câu chuyện của 6 năm về trước, giờ đây anh không còn phải cân nhắc giữa việc cho hay không, mà là có mặt đều đặn trong Ngày hội hiến máu, là địa chỉ cung cấp "máu sống" cho những bệnh nhân nguy kịch khi TT cần đến. Có lẽ vì thế mà khi nhắc đến Đinh Chương, bà con nơi đây luôn dành cho anh sự yêu mến xen lòng biết ơn. "Nhờ những người có cái bụng tốt như thằng Chương mà con mình ốm, bị mất máu nhiều, nhưng vẫn được cứu sống đấy"- ông Đinh Văn I ở xã Thanh An khoe.
Hiến máu với nhiều người là bình thường nhưng với Đinh Chương, một chàng trai Hrê thì quả là hành động đáng khâm phục. Bởi, ở một nơi có trình độ dân trí còn khiêm tốn như xã vùng cao Thanh An, thì để có được ngần ấy số máu cho đi, anh Chương cũng phải có bấy nhiêu "máu" trách nhiệm và sự sẻ chia với cộng đồng. Để rồi, từ chỗ xa lạ và sợ hiến máu, anh đã khiến cho nhiều đoàn viên thanh niên trong thôn phải tò mò tìm hiểu và… thử! Và, có không ít bạn sau một lần "thử" lại cảm nhận hạnh phúc, khi những giọt máu nghĩa tình ấy đã mang lại điều kỳ diệu cho nhiều người. "Mình làm được rồi, phải "kéo" mọi người cùng tham gia thì sẽ có nhiều máu dự trữ hơn. Được như thế thì người bệnh mới có nhiều cơ hội để giành giật sự sống", anh Chương tâm niệm.
Nhân rộng phong trào
"Trước đây mình nghe nói hiến máu rất nguy hiểm, lại dễ chết nên chẳng dám tham gia. Từ khi thấy thằng Chương cho máu nhiều lần, không những không chết mà còn khỏe ra mới lạ chứ. Thấy thế mình cũng bắt chước"- anh Đinh Văn Ri, hàng xóm của anh Chương hóm hỉnh nhớ lại lần đầu tiên, anh đủ can đảm hiến 250 ml máu để cứu người. Anh Ri bảo rằng, đó là vào những ngày tháng 3 năm 2010, khi Huyện đoàn Minh Long tổ chức tuyên truyền và vận động thanh niên tham gia HMTN. Nhưng phần vì sợ, phần vì nghĩ rằng việc gì phải cho máu chi… uổng nên anh cũng dửng dưng với tấm panô "Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng" đặt ở cổng làng. "May có anh Chương động viên và hứa đảm bảo an toàn nên mình mới dám hiến máu", anh Ri cười bẽn lẽn cho hay.
Trong khi đời sống của đồng bào Hrê còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp thì việc họ không quan tâm và cảm thấy xa lạ với HMTN cũng là điều dễ hiểu. Thế nên, để người dân biết rõ hơn về những cái được của việc HMTN, Huyện đoàn Minh Long phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện đến tận nhà mỗi đoàn viên, CCB để phân tích và vận động. Hoạt động ý nghĩa này đã nhận được sự ủng hộ của già làng uy tín. Và nhờ cái uy của các "cây cổ thụ" này mà đồng bào Hrê đã nhận thức được những lợi ích cũng như ý nghĩa của việc HMTN; góp phần tạo sức lan tỏa của phong trào HMTN trong toàn dân. Để rồi chỉ từ vài người "dám" hiến máu vào năm 2006 mà đến nay, hàng trăm đơn vị máu đã được hiến từ thanh niên Hrê nơi đây, vì họ đã hiểu rằng: "Hiến máu là cứu người" nên chẳng ngần ngại tham gia
Bài, ảnh: MỸ HOA