(QNĐT)- Không cam chịu cảnh nghèo, chàng thanh niên Bùi Văn Bảo ở xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành đã mạnh dạn khai hoang đất đồi núi để làm kinh tế. Từ bàn tay trắng, đến nay anh đã có trong tay gia tài bạc tỷ. Anh là một trong những điển hình thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sinh ra trong gia đình nông dân nơi xã nghèo Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, chàng trai trẻ Bùi Văn Bảo (sinh năm 1981) phải bỏ học từ sớm vì gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế lại chẳng có. Anh phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền sinh sống và giúp đỡ gia đình.
Anh Bùi Văn Bảo từ bàn tay trắng nay đã có gia tài bạc tỷ nhờ vào quyết tâm thoát nghèo của bản thân |
Lăn lộn làm thuê được vài năm mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, anh Bảo đã nghĩ đến việc khai khẩn đất đồi núi hoang do chính quyền giao khoán cho gia đình. “Để đất bỏ không thì phí quá, mình lại có sức khỏe thì tại sao không thử sức làm. Trong khi đó, gia đình lại phải chịu cảnh bữa đói bữa no và chỉ biết trông cậy vào vài sào ruộng”- Anh Bảo tâm sự.
Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2007, chàng thanh niên Bùi Văn Bảo với nghị lực thoát nghèo, lặng lẽ cầm rựa, cuốc, xẻng đi bộ vài cây số lên bìa rừng khai hoang, đào ao thả cá và nuôi gà.
Anh Bảo chia sẻ: “Hồi đó, ở trang trại này chẳng có gì ngoài cây cối rậm rạp. Đường đi không có, điện cũng không. Mọi người trong xã cứ bảo tôi điên mới phí công như vậy. Nhưng thanh niên trai trẻ mà, mình phải quyết tâm làm cho bằng được…”
Qua mấy tháng trời ròng rã bỏ công vào mảnh đất khô cằn, đàn gà mới nuôi của anh bị dịch bệnh mà không rõ nguyên nhân. Rồi ao cá cũng không mang lại năng suất cao. Hơn 20 triệu đồng anh chạy vạy vay vốn trước đó nay đã bỏ sông, bỏ bể.
Hiện tại, anh Bảo đang chăn nuôi hơn 70 con heo tại trang trại của mình |
Thất bại không làm chàng trai trẻ chùn bước. Anh Bảo đã chăm chỉ đi học các lớp tập huấn do xã đoàn tổ chức về cách thức trồng trọt, chăn nuôi các loại cá, gà, bò lai. Với sự siêng năng vốn có, lại được tiếp thêm kiến thức bổ ích, chàng trai trẻ đã mạnh dạn làm lại từ đầu với việc vay 30 triệu đồng từ quỹ đoàn thanh niên của xã để đầu tư nuôi cá diêu hồng và bò lai. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực phủ xanh đồi trọc bằng cây keo lai trên vài ha diện tích rừng.
Ngày qua tháng lại, ý chí, nghị lực của chàng trai trẻ đã được đền đáp bằng những con cá diêu hồng to nặng và lần thu hoạch keo đầu tiên. Lấy ngắn nuôi dài, được đồng lãi nào anh Bảo lại đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm cây, con giống và tự thân bỏ tiền kéo đường dây điện dài 3 cây số vào trang trại.
Diện tích ao cá của anh liên tục tăng thêm. Hiện tại anh đang sở hữu 4 ao cá với khoảng 15.000 con giống thuộc các loại cá diêu hồng, chép, cá basa… trên diện tích gần 1ha. Diện tích keo lai của gia đình anh nay đã phủ trên 12ha đất rừng. Đó là chưa kể hơn 70 con heo, bò, mấy trăm con vịt… đang chăn nuôi tại trang trại của gia đình anh Bảo. Tổng giá trị tài sản của anh hiện tại đã được tính bằng tiền tỷ. Với mô hình trồng rừng, chăn nuôi và đào ao thả cá, mỗi năm anh thu về khoảng 90-100 triệu đồng.
Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên và lao động nông thôn khác với thu nhập ổn định.
Quyết tâm đã giúp giấc mơ làm giàu của anh Bảo thành hiện thực |
Ước mơ làm giàu cùa chàng thanh niên nông dân chưa dừng lại ở đó. Anh Bảo cho biết, dự định trong tương lai anh sẽ vay vốn để tiếp tục mở rộng trang trại nuôi heo rừng và nới rộng diện tích ao cá. “Nếu có tinh thần cầu tiến, có quyết tâm làm giàu thì chẳng cần đi đâu xa mình vẫn có thể phát triển kinh tế ngay trên quê hương”- Anh Bảo nói.
Anh Nguyễn Văn Hiếu- Bí thư xã đoàn xã Hành Tín Đông cho biết: Tuy chỉ là một xã nghèo thuộc vùng trung du, miền núi nhưng bộ mặt Hành Tín Đông đang dần thay đổi nhờ có sự góp sức của nhiều thanh niên như anh Bùi Văn Bảo trong việc phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong số 122 ĐVTN tại địa phương, có không ít thanh niên mạnh dạn đầu tư như anh Bảo và đã mang lại thu nhập khá cao cho bản thân và nhiều lao động nông thôn khác. Bên cạnh hoạt động phong trào đoàn, việc thanh niên địa phương phát triển kinh tế luôn được ưu tiên với kênh vay vốn ưu đãi từ 15-30 triệu đồng để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi. Trong những năm qua, nhiều hộ thanh niên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Thanh Phương