Hoang vắng làng thanh niên lập nghiệp Ba Tơ

08:03, 08/03/2012
.

(QNg)- Được xây dựng từ năm 2004, Làng thanh niên lập nghiệp Ba Tơ (Làng TNLN Ba Tơ) có diện tích gần 6.000 ha, thuộc 2 xã Ba Bích và Ba Lế, với kinh phí xây dựng gần 25 tỷ đồng. Năm 2007, Làng TNLN Ba Tơ được Tỉnh đoàn giao cho UBND huyện Ba Tơ quản lý. Thế nhưng từ đó đến nay, nhiều thanh niên đã bỏ làng để đi tìm cuộc sống mới, khiến làng thanh niên trở nên hoang vắng.

TIN LIÊN QUAN


Làng TNLN Ba Tơ hoàn thành vào năm 2007, làng có 342 hộ, với trên 1.400 khẩu. Riêng tại thôn Làng Vào, xã Ba Bích, nơi đặt trụ sở của Ban Quản lý Làng TNLN Ba Tơ, khi ấy gồm 12 hộ dân (6 hộ là người Kinh). Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ba hộ dân sinh sống. Cuộc sống của những người bám trụ nơi đây cũng đang trong cảnh khó khăn bộn bề.

NHÀ HOANG, VƯỜN TRỐNG

Từ năm 2004- 2007, quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm được xây dựng và hoàn thành. Đồng thời, nhiều giống cây mới được hỗ trợ cho thanh niên. Theo đó, mỗi hộ dân được cấp 10 triệu đồng để xây dựng nhà, cùng với 1 con bò, 2.000 cây keo và các giống cây chanh, măng cụt, chôm chôm... Ngoài ra, mỗi hộ còn được nhận bình quân gần 10ha đất rừng để trồng cây keo nguyên liệu. Nhưng vì sự đầu tư nhiều công trình không đồng đều, nên đã xảy ra tình trạng các hạng mục bị xuống cấp (như hệ thống nước sạch đã hư hỏng). Tuy nhiên, điều khiến làng thanh niên lập nghiệp ngày thêm hoang vắng là người dân khó phát triển kinh tế khi ở đây.

Nhiều ngôi nhà trong Làng TNLN Ba Tơ đã trở nên hoang phế.
Nhiều ngôi nhà trong Làng TNLN Ba Tơ đã trở nên hoang phế.


Khu nhà ở tập thể, nơi đặt trụ sở của Ban Quản lý Làng TNLN Ba Tơ thì trụ sở đã được chuyển thành trường mẫu giáo. Dãy nhà gồm 4 phòng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, cửa kính chỗ lành, chỗ vỡ. Các công trình phụ cũng rơi vào cảnh hoang phế. Nhưng tình cảnh của khu nhà ở tập thể này cũng chưa thê thảm bằng nhiều căn nhà của các hộ thanh niên. Các căn nhà này bị đập phá chỉ còn trơ móng; đường ống dẫn nước sạch bị bỏ hoang, vườn tược tiêu điều, cây cối héo hắt vì thiếu bàn tay chăm sóc.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Đinh Quốc Hanh và chị Trần Thị Bích Liên, một trong ba gia đình còn bám trụ nơi đây. Ngoài vườn, gia đình anh chị trồng mì, song hiệu quả chẳng được như mong muốn. Anh Hanh nói trong nỗi thất vọng rằng, đất cằn cỗi, thiếu nước nên cây mì không thể phát triển. Còn những giống cây ăn quả mà dự án đầu tư đều kém hiệu quả; thậm chí có loại cây đã thất bại hoàn toàn như măng cụt, chanh. Các loại cây này đã bị xóa xổ hoàn toàn ở Làng TNLN Ba Tơ. Gia đình anh Hanh được "hứa" cho 20ha để trồng keo, nhưng đến nay cũng chỉ là... lời "hứa". Do đó, kinh tế gia đình anh Hanh gặp khó khăn. "Phải xoay sở đủ thứ nghề mới may sống được, chứ không thì..."- anh Hanh chép miệng, bỏ lửng câu nói.

Đến bây giờ, không biết bao nhiêu tiền của đã "ném qua cửa sổ" từ "cây trồng dự án"?. Cuộc sống khó khăn đã buộc nhiều người dân bỏ làng ra đi. Cũng theo anh Hanh, nước sinh hoạt cho người dân sống trong làng TNLN là vấn đề nan giải. Ba hộ dân còn ở lại chỉ lấy nước tại cái giếng được anh Hanh dồn sức đào. Chứ hệ thống nước sạch của làng không còn phát huy tác dụng.

CHỦ TỊCH XÃ CŨNG... ĐI

Hiện nay, ba hộ dân còn sinh sống và canh tác tại Làng TNLN Ba Tơ ở thôn Làng Vào là gia đình anh Hanh, gia đình anh Phạm Văn Thạch và gia đình anh Phạm A Rin. Điều đáng nói là, khoảng 6 hộ thuộc thế hệ đầu tiên bỏ làng đi, rồi thế hệ tiếp theo vào ở cũng tiếp tục bỏ làng luôn. Năm 2007, anh Phạm Văn Chiên, nay là Chủ tịch UBND xã Ba Bích, xin vào ở trong ngôi nhà bỏ trống do một hộ ra đi để lại.

Công trình nước sạch bị bỏ hoang.
Công trình nước sạch bị bỏ hoang.

Nhưng đến năm 2011, anh Chiên cũng phải từ giã ngôi nhà này để dọn về nơi ở mới. Lý do được anh Chiên đưa ra là anh không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên khu vườn mà anh đang ở. Điều này khiến gia đình anh gặp khó khăn khi chủ đất cũ (trước khi Làng TNLN được xây dựng) đến đòi lại. Nghịch lý là, người này đã được bồi thường tiền và không còn là chủ sở hữu mảnh đất này nữa. Anh Chiên khẳng định: "Nếu không nhanh chóng giải quyết bất cập này thì sẽ gây ra tranh chấp không đáng có giữa người dân với nhau".

Nhiều cái vướng vẫn không dễ gì tháo gỡ. Nhà cửa hoang vắng. Một số cây ăn quả gần như bị phá sản, tốn kém không ít tiền của Nhà nước... Không rõ trước khi đầu tư cây trồng vào đây, các cơ quan chức năng có nghiên cứu, thí điểm trước chưa? Giải bài toán "an cư lạc nghiệp" ở đây quả nhiên còn quá nhiều việc phải lo. Trung ương Đoàn đã chấm dứt thời hạn đầu tư. Vấn đề còn lại, UBND huyện Ba Tơ, Tỉnh đoàn, Ban Quản lý dự án Làng TNLN Ba Tơ sẽ có động thái gì để "công trình thanh niên" này không rơi vào tình trạng hoang phế.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.