(Báo Quảng Ngãi)- Nhóm tác giả Mai Thu Trâm và Nguyễn Ngọc Kiếm, đều là sinh viên năm 4, Khoa Kinh tế, Trường Đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng, đã đoạt giải Ba Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ VII - năm 2022”. Với đề tài: “Mối quan hệ giữa truyền thông xã hội, gắn kết thương hiệu và ý định quay lại của du khách nội địa dưới tác động điều tiết của nỗi sợ Covid-19: Trường hợp đảo Lý Sơn”, nhóm tác giả đã đề xuất những giải pháp thu hút du khách đến với Lý Sơn khá thiết thực.
Từ thực tiễn du lịch Lý Sơn
Trong những năm gần đây, Lý Sơn được biết đến là một huyện đảo có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với cơ sở vật chất hiện đại, môi trường du lịch an toàn, hình ảnh thân thiện, mến khách. Ngoài ra, sản phẩm du lịch của Lý Sơn cũng ngày càng đa dạng và chất lượng dịch vụ được chú trọng hơn để đáp ứng yêu cầu của du khách. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch Lý Lơn đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Em Mai Thu Trâm (bên phải) được TS.Nguyễn Hoàng Ngân giải đáp các thắc mắc trong quá trình học và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. |
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của em Trâm và Kiếm, nên quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng em chưa đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện đề tài; đồng thời gặp khó khăn trong việc nghiên cứu tài liệu, vì phần lớn tài liệu nghiên cứu đề tài bằng tiếng Anh. Phương pháp xử lý số liệu là phương pháp mới nên giảng viên phải hướng dẫn thêm vì không có trong chương trình học ở nhà trường. Những giải pháp đề xuất vượt quá tầm buộc nhóm phải thảo luận với giảng viên hướng dẫn để đưa ra những giải pháp phù hợp”, em Trâm bộc bạch.
Tận dụng truyền thông xã hội
Nghiên cứu xác định vai trò chính của truyền thông xã hội trong du lịch đối với việc phát triển, gắn kết thương hiệu của khách hàng (CBE). “Kết quả xác nhận rằng các khoản đầu tư dựa trên công ty vào mạng xã hội có thể mang lại những lợi ích quan trọng. Do đó, các nhà quản lý du lịch nên phát triển các chiến lược tiếp thị khác nhau để nhấn mạnh vai trò CBE dựa trên phương tiện truyền thông xã hội trong đại dịch”, em Trâm cho biết.
Dự án cũng phát hiện ra vai trò quan trọng của CBE trong việc thúc đẩy ý định quay lại, khẳng định tầm quan trọng chiến lược của CBE trong việc phát triển mối quan hệ khách hàng với thương hiệu. Để phục vụ khách du lịch tiềm năng trong đại dịch, các nhà quản lý được đề xuất duy trì và phát triển các nền tảng tương tác dịch vụ khác nhau, bao gồm các ứng dụng di động, các trang thương mại điện tử, công nghệ dựa trên thực tế ảo.
Các phát hiện xác nhận vai trò điều tiết của nỗi sợ Covid-19 và cho thấy rằng, nỗi sợ Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông xã hội và ý định quay lại của du khách. “Ngành du lịch nên chủ động và nhận được lợi ích của công nghệ trong việc bảo vệ khách du lịch trước nguy cơ đại dịch tại các điểm du lịch chính và nhấn mạnh những cam kết đó trong chiến lược truyền thông. Các điểm đến nên tập trung vào việc giảm thiểu nhận thức về sức khỏe/rủi ro liên quan đến đại dịch hoặc giảm sự sợ hãi của khách du lịch bằng cách nhấn mạnh khoảng cách không gian thoáng đãng”, TS. Nguyễn Hoàng Ngân, Khoa Kinh tế (Trường ĐH Phạm Văn Đồng), giảng viên hướng dẫn đề tài cho em Trâm và Kiếm, chia sẻ.
Từ việc tận dụng các hình thức quảng bá thông qua truyền thông xã hội như vậy sẽ giúp người dân có thể giảm bớt nỗi sợ từ đại dịch. Từ đó, làm tăng ý định du lịch của du khách không chỉ với Lý Sơn, mà cả những nơi khác ở Việt Nam.
Bài, ảnh:
TRỊNH PHƯƠNG