Bảo vệ môi trường và nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực môi trường

05:02, 28/02/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Môi trường được đánh giá là một trong những lĩnh vực quan trọng ở hiện tại và trong tương lai. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất “khát” nhân lực trong lĩnh vực môi trường. Nắm bắt điều này, nhiều trường đại học trong nước đã tuyển sinh đào tạo ngành môi trường. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đúng về nghề nghiệp lĩnh vực môi trường nên số lượng học sinh cuối cấp THPT đăng ký vào học ngành môi trường còn thấp. 
 
Cần sự quan tâm của xã hội đến công tác bảo vệ môi trường
 
Tiến sĩ Hồ Ngô Anh Đào- Phụ trách Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động – Trường đại học Tôn Đức Thắng cho biết, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường từ năm 1993, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thực hiện luật pháp và chính sách bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện được trách nhiệm bảo vệ môi trường với xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là do bản thân các doanh nghiệp chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ mức độ tác động của ô nhiễm đến môi trường trong quá trình vận hành, sản xuất của doanh nghiệp. 

 

Các trường đại học tổ chức cho sinh viên tham quan nhà máy, trạm xử lý nước thải
Sinh viên tham quan nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tại Việt Nam thường chưa có nguồn vốn cố định đầu tư cho công tác quản lý môi trường và các công trình xử lý và kiểm soát chất thải trong nhà máy. Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp càng gặp rất nhiều khó khăn hơn nữa do biến động kinh tế, thị trường; dẫn đến việc cắt giảm nhiều lao động, trong đó có nhân lực làm công tác quản lý môi trường. Một nguyên nhân khác xuất phát từ ý thức và tầm nhìn, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa xây dựng được văn hóa bảo vệ môi trường trong nhà máy, xí nghiệp.
 
Ở hướng ngược lai, đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với nhiều ràng buộc về qui định của tập đoàn ở quốc gia sở tại, họ có ý thức tuân thủ qui định bảo vệ môi trường và dần tạo ra văn hóa này trong nội bộ doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt cho sự lan truyền và hình thành một cách hệ thống các ý niệm về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung.
 
Triển vọng nghề nghiệp ở lĩnh vực quản lý và kỹ thuật môi trường
 
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện hành, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, có nguy cơ phát sinh chất thải và gây ô nhiễm môi trường, sẽ phải duy trì thường niên các công tác quản lý nguồn thải, kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm và bố trí nhân sự làm công tác quản lý môi trường theo chế độ chuyên trách tại doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, nhân sự về quản lý môi trường được đào tạo chính quy với trình độ chuyên môn cao đang rất cần thiết để đáp ứng công tác quản lý ở các cấp độ khác nhau như Sở TN&MT tỉnh, thành phố; phòng TN&MT quận, huyện; các đơn vị chức năng về quản lý hạ tầng kỹ thuật và thẩm định khoa học công nghệ về môi trường; bộ phận phòng, ban quản lý môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ; các trung tâm, viện nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường...
 
Trong tương lai khi mà kinh tế - xã hội ngày càng phát triển với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo những hệ lụy về môi trường mà chúng ta phải đối mặt. Do đó, xã hội đang cần những kỹ sư tư vấn giúp các công ty, doanh nghiệp xử lý nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân.
 
Ở khía cạnh kỹ thuật, lĩnh vực xử lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt là mảng kỹ thuật hạ tầng trong đô thị, cấp thoát nước và xử lý nước, là rất cần thiết tại các dự án, các công trình xây dựng. Mảng công việc này đang rất “khát” nhân lực ở tất cả các cấp độ khác nhau, từ thiết kế, thi công, đến giám sát và vận hành hệ thống công trình sau khi xây dựng hoàn thiện.
 
Bên cạnh đó, việc quốc tế hóa nền kinh tế đang yêu cầu các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường trong và ngoài nước, đảm bảo chỉ số phát triển bền vững. Do đó, nhu cầu tuyển dụng bên mảng quy hoạch môi trường cũng đang tăng cao ở vị trí tư vấn, hoạch định và thực hiện các dự án về phát biển bền vững cho doanh nghiệp.
 
đang trực tiếp học thực hành, thí nghiệm trên mô hình đã lắp đặt sẵn trong Phòng thí nghiệm
Sinh viên Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động –Trường đại học Tôn Đức Thắng học thực hành, thí nghiệm trên mô hình.
Tiến sĩ Hồ Ngô Anh Đào- Phụ trách Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động – Trường đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, vị trí và cơ hội việc làm trong lĩnh vực khoa học, quản lý và kỹ thuật môi trường không những là rất lớn mà triển vọng phát triển liên ngành là rất cao. Điển hình, trong chương trình đào tạo của Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động – Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay, việc tích hợp các nội dung, kiến thức, kỹ năng chuyên môn để sinh viên có cơ hội phát triển nghề nghiệp liên quan cả trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thi, quản lý tài nguyên môi trường và an toàn - sức khỏe - môi trường đang rất được chú trọng.
 
Ngành môi trường nói chung hiện đang ở vị trí thấp trong chu kỳ vòng lặp của cán cân kinh tế vì nhiều lý do. Trong đó, một nguyên nhân khách quan nhất đến từ việc định hướng ngành nghề và việc làm theo xu thế của xã hội. Theo xu hướng hiện nay, học sinh THPT vẫn ưu tiên lựa chọn các khối ngành học thuộc lĩnh vực kinh tế, thương mại và ngần ngại việc lựa chọn học các khối ngành kỹ thuật. Để nâng cao sự nhận diện của xã hội về lĩnh vực ngành nghề môi trường, sự đồng thuận và phối hợp thực hiện của các đơn vị quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường, các doanh nghiệp (đơn vị tuyển dụng), các trường đại học (đơn vị đào tạo) là rất cần thiết. 
 
Cụ thể, các đơn vị này phải có sự liên kết, phản hồi thông tin, thông qua nhiều hoạt động phối hợp, cùng tổ chức các diễn đàn, đối thoại để nêu cao vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm, truyền thông về nhu cầu nguồn lực làm công tác quản lý; thể hiện rõ hơn yêu cầu của Luật về nhân sự làm công tác quản lý môi trường tại các doanh nghiệp. Để cùng cộng sinh cho sự phát triển bền vững, các bên cần nhanh chóng cùng nhau hình thành và xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường cho toàn xã hội, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của nhóm ngành kỹ thuật này, tạo điều kiện để lĩnh vực nghề nghiệp này có cơ hội phát triển xứng tầm. 
 
PV
 

.