Nghiệm thu đề tài đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai

05:03, 13/03/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 13/3, Sở KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả Đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi”, nhằm phản biện, đánh giá những kết quả đạt được sau thời gian nghiên cứu. 
 
[links()]
 
Đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” do Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) chủ trì thực hiện. Đề tài được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2022.
 
Nội dung nghiên cứu tập trung đánh giá hiện trạng chăn nuôi, chuỗi cung ứng và tiêu thụ thịt bò; năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai nuôi; đề xuất giải pháp kỹ thuật chăn nuôi phù hợp cho tổ hợp bò lai chuyên thịt được chọn; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
 
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 350 đối tượng là các hộ có nuôi bò lai chuyên thịt; thương lái, chủ lò giết mổ; người bán thịt; điểm bán bê thui; cơ sở cung cấp tinh; đại lý bán thức ăn; người tiêu dùng; hệ thống siêu thị… 
 
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.
 
Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn, nhóm nghiên cứu khẳng định, chăn nuôi bò lai là thế mạnh của Quảng Ngãi. Đàn bò lai sinh sản chủ yếu là giống bò lai Brahman. Bò thịt được nuôi phần lớn là giống bò lai BBB và lai Charolais. 
 
Tuổi bò thịt xuất bán trung bình là 18,4 tháng tuổi. Tuổi bê bán trung bình là 6,3 tháng tuổi. Thịt bò giết mổ và tiêu thụ chủ yếu là các loại bò lai, chiếm đến 94,7% tổng lượng thịt tiêu thụ trong tỉnh.
 
Trong 4 tổ hợp bò lai mà nhóm nghiên cứu thì các tổ hợp bò lai cho năng suất thịt và hiệu quả kinh tế cao, lần lượt là các tổ hợp bò lai, gồm: lai BBB, lai Charolais, lai Red Angus, lai Droughtmaster. Từ kết quả này, đơn vị chủ trì đề xuất 3 tổ hợp bò lai, gồm: lai BBB, lai Charolais, lai Red Angus nên được sử dụng chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương có điều kiện tương tự. 
 
Đại diện Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), đơn vị chủ trì đề tài phát biểu tại cuộc họp.
Đại diện Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), đơn vị chủ trì đề tài phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao về hàm lượng khoa học của đề tài, đảm bảo các yêu cầu đề ra. Đề tài rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn ngành chăn nuôi cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Đây là cơ sở, căn cứ khoa học quan trọng để Quảng Ngãi xem xét, xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò thịt, hướng đến xây dựng thương hiệu thịt bò tại Quảng Ngãi. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục hoàn thiện đề tài, trước khi chuyển giao cho các đơn vị tiếp nhận. 
 
Tin, ảnh: THIÊN HẬU
 

.