(Baoquangngai.vn)- Chiều 9/9, Sở KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum sọ ở tỉnh Quảng Ngãi”.
[links()]
Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum sọ ở tỉnh Quảng Ngãi” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn chủ trì.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, vùng ven biển Quảng Ngãi có nhiều loài nhum biển sinh sống, nhiều nhất là ở các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và TX.Đức Phổ. Có 4 loài phổ biến, gồm: nhum đen, nhum trắng, nhum sọ, nhum dù. Đặc biệt, loài nhum sọ (còn gọi là cầu gai) có giá trị kinh tế cao, được khai thác nhiều nhất.
Quang cảnh cuộc họp. |
Sản lượng khai thác ước tính khoảng 2 triệu con/năm. Trữ lượng khoảng 5,7 triệu con. Đây là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, giàu calo và ít chất béo, cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất.
Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, nhu cầu tiêu thụ nhum sọ tăng cao, dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát triển nhum sọ rất cần thiết và cấp bách.
Đại diện đơn vị chủ trì đề tài báo cáo kết quả thực hiện. |
Nhóm nghiên cứu đề xuất được các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum sọ tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, phân vùng khai thác hợp lý và đưa ra thời gian khai thác phù hợp với vùng hạn chế khai thác, vùng biển cần được bảo vệ.
Thời gian qua, mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ đã được triển khai tại huyện Lý Sơn và bước đầu có kết quả khả quan, với tỷ lệ nhum sọ sống đạt 86%. Đơn vị chủ trì cũng đã phối hợp với địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho ý kiến tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, Hội đồng tư vấn đánh giá cao chất lượng của đề tài. Đề tài có những nghiên cứu khoa học chính xác về tình hình thực tiễn, hiện trạng khai thác và bảo vệ nhum sọ; những đặc điểm sinh học, sinh sản và sinh thái của nhum sọ; xây dựng được quy trình và kỹ thuật nuôi, đề ra được các giải pháp bảo vệ, khai thác nhum sọ hiệu quả, phát triển bền vững ở các địa phương. Nội dung của đề tài có giá trị lớn, là cơ sở khoa học cho những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn về sau.
Tin, ảnh:
GIA NGHI