Nâng cao ý thức cộng đồng trong đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân

02:09, 15/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Kịch bản Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Công Hòa chia sẻ, là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh, Sở KH&CN đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cuộc diễn tập đạt kết quả. Qua đó, nâng cao ý thức cộng đồng; rút ra các bài học kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh, cập nhật vào Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế.
 
Ông TRẦN CÔNG HÒA
Ông TRẦN CÔNG HÒA
PV: Xin ông cho biết, mục đích, ý nghĩa của cuộc Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022?
 
Ông TRẦN CÔNG HÒA: Ứng dụng năng lượng nguyên tử ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp như: Lọc hóa dầu; sản xuất thép, thiết bị áp lực, thiết bị siêu trường siêu trọng; đóng tàu... Điều này đã đem lại những lợi ích rất lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quốc gia cũng như của Quảng Ngãi.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở sử dụng 69 máy X-quang chẩn đoán trong y tế; 17 đơn vị sản xuất công nghiệp sử dụng 80 nguồn phóng xạ và 32 thiết bị bức xạ trong hoạt động sản xuất, kiểm tra sản phẩm.  Các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ khi đi vào hoạt động đều chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn bức xạ như: Khai báo, kiểm định thiết bị, kiểm xạ môi trường; đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn...
 
Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, như: Cơ sở từ địa phương khác đến hoạt động bức xạ tại Quảng Ngãi khai báo chưa cụ thể về thời gian tiến hành công việc bức xạ; không rõ địa chỉ kho chứa nguồn, chậm khai báo việc thay đổi, nạp nguồn mới. Vấn đề này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh nguồn phóng xạ, an toàn bức xạ, gây khó khăn trong công tác quản lý. Dự báo trong thời gian đến, số lượng doanh nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ tiếp tục tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào KKT Dung Quất.
 
Cuộc Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, hạn chế thấp nhất rủi ro, ảnh hưởng đến con người và môi trường do sự cố bức xạ và hạt nhân gây ra. Bên cạnh đó, nâng cao công tác quản lý nhà nước và năng lực phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó sự cố; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh, cập nhật vào Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế.
 
PV: Những nội dung chính của cuộc diễn tập này là gì? Sở KH&CN đã triển khai các công việc như thế nào để tổ chức cuộc diễn tập đạt kết quả, thưa ông?
 
Ông TRẦN CÔNG HÒA: Cuộc diễn tập này diễn biến qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là sự cố cấp cơ sở: Sau giờ nghỉ giữa ca, Tổ chụp ảnh phóng xạ phát hiện mất nguồn Ir-192 (hoạt độ nguồn 4Ci) tại Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam. Tổ trưởng nhanh chóng báo cáo phụ trách an toàn xem xét tình hình về sự việc mất nguồn trên và báo cáo cho lãnh đạo công ty. Theo kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở đã được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) phê duyệt, Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố của công ty chủ động tiến hành biện pháp ứng phó theo kế hoạch.
 
Kế đến là giai đoạn chuyển tiếp: Sau một thời gian tìm kiếm nguồn Ir-192 trong phạm vi khu vực, nhưng vẫn không tìm thấy, Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam xác định có khả năng nguồn phóng xạ đã bị lây ra bên ngoài. Tình huống này vượt quá khả năng ứng phó sự cố của công ty, nên công ty báo cáo Sở KH&CN và các cơ quan liên quan để được trợ giúp.
 
Giai đoạn thứ 3 là sự cố cấp tỉnh: Sau khi tiếp nhận thông tin, đánh giá đây là sự cố khá nghiêm trọng khi nguồn phóng xạ khả năng đã bị đánh cắp, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở KH&CN báo cáo Trưởng ban Chỉ huy để khởi động Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh, điều động các lực lượng tham gia và triển khai các hành động ứng phó cần thiết để truy tìm, thu hồi nguồn phóng xạ, tẩy xạ đảm bảo an toàn cho người dân.
 
Hiện nay, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban tổ chức Diễn tập, liên hệ với Bộ Tham mưu Quân khu 5 hỗ trợ; đề nghị Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành liên quan, đơn vị tư vấn kỹ thuật, Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam cử lực lượng và bố trí trang thiết bị để tham gia diễn tập. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể để phân công nhiệm vụ từng thành viên, tổ chức luyện tập theo kịch bản đã được phê duyệt...
 
PV: Trong thời gian đến, công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào những nội dung gì?
 
Ông TRẦN CÔNG HÒA: Chúng ta cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cộng đồng nhận diện được sự nguy hiểm của nguồn phóng xạ khi tiếp xúc trực tiếp, hiểu biết sâu sắc và có hành động phù hợp khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác đào tạo, cập nhật kiến thức về đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đến cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách, nhân viên tiến hành công việc bức xạ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân.
 
Về phía Sở KH&CN sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ huy tiếp tục triển khai các nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh. Tập trung rà soát, xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố bức xạ có thể xảy ra và tổ chức diễn tập theo quy định. Định kỳ hằng năm, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức và diễn tập trao đổi thông tin giữa các cơ quan tham gia ứng phó sự cố.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
PHẠM DANH 
(thực hiện)
 

.