Một tảng đá không gian có kích thước bằng tòa nhà chọc trời mà các nhà khoa học từng cảnh báo "có khả năng nguy hiểm" đã đi ngang qua Trái đất một cách an toàn vào 3 giờ 35 phút sáng 2/4, theo giờ Việt Nam.
Tiểu hành tinh 2007 FF1 vừa lao vút đi với vận tốc 47.950 km/giờ. Ảnh minh họa: Getty Images. |
Theo SpaceReference.org, cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA và Liên minh Thiên văn quốc tế cho thấy, mặc dù tiểu hành tinh 2007 FF1 bay cách Trái đất trong phạm vi khoảng 7,4 triệu km, tức khoảng 30 lần khoảng cách trung bình giữa Trái đất và mặt trăng, đây vẫn là lần tiếp cận gần nhất của nó với hành tinh của chúng ta kể từ khi phát hiện ra vào năm 2007.
Tiểu hành tinh 2007 FF1 quay quanh mặt trời cứ sau 684 ngày hoặc lâu hơn, thường xuyên bay cách hành tinh của chúng ta vài chục triệu dặm. Lần tiếp cận gần nhất của nó là vào tháng 8/2020, cách Trái đất 17,3 triệu km với tốc độ khoảng 47.950 km/giờ.
Có đường kính rộng 110 và dài 200 m, tiểu hành tinh này được coi là có khả năng nguy hiểm vì kích thước và vị trí tương đối gần Trái đất. Tuy nhiên, những dự đoán về đường đi của tiểu hành tinh trong vài thập kỷ tới cho thấy nó sẽ không đến gần hơn mức này trong tương lai gần. Theo SpaceReference.org, dự đoán lần tiếp cận gần nhất sẽ diễn ra vào ngày 2/4/2037, khi tiểu hành tinh sẽ đạt khoảng cách tối thiểu với Trái đất là khoảng 7,9 triệu km.
NASA và các cơ quan vũ trụ khác có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các vật thể bay gần Trái đất. Vào tháng 11/2021, NASA đã phóng một tàu vũ trụ làm chệch hướng tiểu hành tinh được gọi là Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART), sẽ đâm trực diện vào tiểu hành tinh Dimorphos rộng 160 m vào mùa thu năm 2022. Vụ va chạm sẽ không phá hủy tiểu hành tinh, nhưng có thể thay đổi quỹ đạo của nó. Nhiệm vụ này giúp thử nghiệm khả năng làm chệch hướng của một tiểu hành tinh, để áp dụng trong trường hợp một số tiểu hành tinh sẽ gây ra mối đe dọa với Trái đất trong tương lai.
Theo
LÊ LÂM/Nhandan.vn