Sáng kiến vì người bệnh

02:10, 18/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật xuyên đinh kín trên màn hình tăng sáng cho bệnh nhân gãy kín xương cẳng tay. Kỹ thuật này đã giảm thời gian điều trị, chi phí nằm viện và giúp người bệnh sớm trở lại với sinh hoạt hằng ngày.
[links()]
 
Trước đây, người bệnh bị gãy xương cẳng tay vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường được chỉ định phẫu thuật. Người bệnh được phẫu thuật mở bộc lộ xương gãy để nắn chỉnh và kết hợp xương bằng các loại đinh, nẹp vít, chỉ thép. Những hạn chế của kỹ thuật phẫu thuật này là phá hủy mô mềm quanh xương nhiều, dẫn đến các nguy cơ nhiễm khuẩn, xương chậm liềm, khớp giả; thời gian nằm viện cũng như thời gian phẫu thuật kéo dài; sau khi xương liền phải phẫu thuật lần nữa để tháo phương tiện kết hợp xương, để lại sẹo xấu...
 
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật điều trị gãy kín xương cẳng tay cho bệnh nhân bằng phương pháp xuyên đinh kín trên màn hình tăng sáng của máy C-Arm.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật điều trị gãy kín xương cẳng tay cho bệnh nhân bằng phương pháp xuyên đinh kín trên màn hình tăng sáng của máy C-Arm.
Trước thực tế đó, bác sĩ Chuyên khoa II Tô Kỳ Nam cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật xuyên đinh kín trên màn hình tăng sáng điều trị gãy kín xương cẳng tay.
 
Bác sĩ Chuyên khoa II Tô Kỳ Nam cho biết, kỹ thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng đã được bệnh viện áp dụng phổ biến trong khoảng 7 năm gần đây, chủ yếu là phẫu thuật điều trị gãy xương chi các vùng gần khớp như gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi, gãy trên lồi cầu xương cánh tay, gãy mâm chày... 
Giải pháp của Bác sĩ Chuyên khoa II Tô Kỳ Nam cùng cộng sự đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (2020 - 2021). Đây là thành quả xứng đáng cho quá trình lao động sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cuối năm 2019, bệnh viện được đầu tư một máy C-Arm mới với nhiều tính năng ưu việt và hình ảnh rõ nét hơn, giúp cho việc thực hiện kỹ thuật kết hợp xương thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Bệnh viện bắt đầu triển khai thêm kỹ thuật xuyên đinh kín qua da dưới màn hình tăng sáng để điều trị gãy xương vùng đầu dưới và thân 2 xương cẳng tay. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm như không gây mất máu, không phá hủy mô mềm, màng xương như phẫu thuật mở nên ổ gãy mau liền, không để lại sẹo, chức năng chi phục hồi sớm; rút ngắn thời gian phẫu thuật; giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, người bệnh không phải dùng nhiều kháng sinh, thường được xuất viện sớm.
 
Khi đưa vào áp dụng kỹ thuật mới từ đầu năm 2019 đến tháng 9/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều trị cho khoảng 30 người bệnh. Qua quá trình điều trị và theo dõi không xảy ra biến chứng, xương liền tốt, chức năng chi phục hồi sớm, chi phí giảm đáng kể so với phẫu thuật mở. Qua so sánh, một người bệnh gãy xương cẳng tay được điều trị kết hợp xương bằng phương pháp phẫu thuật mở thường mất khoảng thời gian nằm viện từ 7 - 9 ngày; tổng chi phí cho đợt điều trị khoảng 10 - 12 triệu đồng. Với bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật xuyên đinh kín qua da rút ngắn được 1/2 số ngày điều trị sau phẫu thuật (thường còn khoảng 3 ngày); chi phí điều trị giảm khoảng 30% so với phẫu thuật mở... 
 
“Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện về kỹ năng phẫu thuật điều trị gãy xương cẳng tay bằng phương pháp xuyên đinh kín qua da trên màn hình tăng sáng, nên có thể áp dụng thường quy cho người bệnh đến điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, chúng tôi không chỉ áp dụng phương pháp này cho điều trị gãy đầu dưới xương quay, mà còn cho cả xương trụ và một số trường hợp gãy thân 2 xương cẳng tay có sự thuận lợi trong việc nắn kín...”, Bác sĩ Chuyên khoa II Tô Kỳ Nam cho biết.
 
Bài, ảnh: ANH KHUÊ
 
 
 
 

.