Cháy rừng, lũ lụt, nắng nóng khắc nghiệt - thảm họa khí hậu tàn phá nước Mỹ

03:06, 15/06/2022
.
Lũ lụt hoành hành, hỏa hoạn kinh hoàng, giông bão mạnh và nắng nóng nguy hiểm ảnh hưởng đến 1/3 dân số, nước Mỹ đang bị "bao vây" bởi các thảm họa khí hậu.
 
 
Một loạt thảm họa khí hậu đang hoành hành tại Mỹ khi nước này bước vào mùa hè, với những cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng trong nhiều tháng tới ở một số khu vực.
 
Khoảng 120 triệu người được khuyến cáo phải hứng chịu đợt nắng nóng thiêu đốt vùng Thượng Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ.
 
Khói bốc lên cuồn cuộn từ đám cháy rừng Sheep Fire ở Wrightwood, California, ngày 13/6/2022. (Ảnh: Reuters)
Khói bốc lên cuồn cuộn từ đám cháy rừng Sheep Fire ở Wrightwood, California, ngày 13/6/2022. (Ảnh: Reuters)
"Một vòm nhiệt áp suất cao dự kiến ​​sẽ tạo ra nhiệt độ tăng hơn bình thường đến mức cao kỷ lục trên toàn khu vực cả hôm nay và ngày mai (15 - 16/6), với các chỉ số nhiệt ở mức ba chữ số ở nhiều địa điểm", Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) thông báo.
 
Nhiều khu vực của các bang Indiana, Kentucky và Ohio đã được cảnh báo rằng nền nhiệt có thể lên tới 109 độ F (43°C).
 
Nhà khí tượng học Alex Lamers thuộc NWS cho biết, vòm nhiệt áp suất cao đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan xung quanh vùng ngoại vi của nó.
 
Rìa phía Bắc của vòm nhiệt, nơi nhiệt độ cao va chạm với không khí lạnh hơn, đã chứng kiến ​​một số cơn bão dữ dội vào ngày 13/6. Hàng trăm nghìn người không có điện ở Trung Tây sau khi giông bão hoành hành ở khu vực này.
 
Hiện tượng khí hậu này dự kiến ​​sẽ kéo theo tình trạng thời tiết bất ổn hơn, với dự báo có mưa đá và gió giật mạnh.
 
Xa hơn về phía Tây, những bức ảnh và video ấn tượng do National Park Service công bố cho thấy sự tàn phá do lũ lụt ở Yellowstone, công viên quốc gia lâu đời nhất tại Mỹ.
 
 "Đại hồng thủy" tại Công viên quốc gia Yellowstone. (Ảnh: AP)
"Đại hồng thủy" tại Công viên quốc gia Yellowstone. (Ảnh: AP)
Công viên rộng 3.400 dặm vuông (8.900 km²) ở bang Wyoming này, nơi có mạch nước phun Old Faithful nổi tiếng, đã bị đóng cửa vào ngày 13/6 sau khi một trận ngập lụt kỷ lục cuốn trôi, gây sạt lở đường sá và cô lập một cộng đồng dân cư gần đó.
 
Các nhân viên kiểm lâm đã cảnh báo về "điều kiện cực kỳ nguy hiểm" và yêu cầu bất kỳ ai còn trong công viên phải ra ngoài ngay lập tức.
 
"Mức lũ đo được trên sông Yellowstone vượt quá mức kỷ lục", National Park Service cho biết trên trang web của mình. "Đánh giá sơ bộ cho thấy, nhiều đoạn đường trong toàn bộ công viên đã bị cuốn trôi hoặc bị bao phủ bởi bùn, đất đá, và nhiều cây cầu có thể bị ảnh hưởng."
 
Cộng đồng Gardiner, nằm ngay bên ngoài ranh giới công viên ở bang Montana, đã bị cắt điện, một số khu nhà bị mất điện và nước, theo National Park Service.
 
Bên cạnh đó, những cảnh báo về nhiệt độ tăng rất cao đối với các khu vực của bang California và bang Arizona được đưa ra, những nơi đã bùng nổ đợt nắng nóng "như lò nung" vào cuối tuần.
 
Nhiệt độ tăng cao cùng với hạn hán kéo dài đang làm trầm trọng thêm các trận cháy rừng theo mùa.
 
Hai đám cháy khổng lồ, mỗi vụ có diện tích hơn 300.000 mẫu Anh (120.000 ha), tiếp tục hoành hành hôm 14/6 ở bang New Mexico.
 
Các nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa Black Fire và trận cháy rừng Hermits Peak được tiếp sức bởi lớp thảm thực vật quá khô.
 
Bang New Mexico và phần lớn miền Tây Nam nước Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến lượng mưa dưới mức bình thường trong nhiều năm.
 
Hàng chục đám cháy khác đã bùng lên khắp khu vực.
 
Cháy rừng là một phần của chu kỳ tự nhiên, giúp loại bỏ thực vật chết và loại bỏ dịch bệnh đồng, thời thúc đẩy sự phát triển mới. Tuy nhiên, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của những vụ cháy rừng đã tăng lên trong những năm gần đây do ảnh hưởng của hạn hán tàn khốc, các nhân viên cứu hỏa cho biết.
 
Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết trên trang web của mình: "Các hình thái khô nóng và gió to dự kiến ​​sẽ tạo ra điều kiện thời tiết có khả năng gây cháy cao đến mức nghiêm trọng trên khắp các khu vực từ Tây Nam đến trung tâm và miền Nam High Plains".
 
Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa cảnh báo rằng, năm 2022 có vẻ sẽ là một năm khủng khiếp với các vụ cháy rừng nghiêm trọng.
 
Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng ấm lên toàn cầu, nguyên nhân chủ yếu là do loài người đốt nhiên liệu hóa thạch không được kiểm soát, đang làm cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có nhiều khả năng xảy ra hơn.
 
Lamer, thuộc Cơ quan Thời tiết Quốc gia, nhận định, trong khi rất khó để kết luận sự thay đổi khí hậu là nguyên nhân của một giai đoạn riêng lẻ, tình trạng nóng lên toàn cầu là một yếu tố cơ bản.
 
Theo VTV.vn
 

 


.