Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 1/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 218.503.488 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.532.445 ca tử vong. 195.317.099 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 18.653.944 bệnh nhân đang điều trị.
[links()]
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 530.000 ca mắc COVID-19 và 8.085 ca tử vong.
Số ca nhiễm trên toàn thế giới đang tăng trở lại do sự lây lan của biến thể Delta, đặc biệt ở nhóm người chưa tiêm vaccine, cũng như việc nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ - nước chịu tác động mạnh nhất do đại dịch, đã vượt mốc 40 triệu người. Ảnh: Reuters |
Đứng thứ hai là Ấn Độ với 32.810.892 ca mắc và 439.054 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil khi nước này ghi nhận 20.777.867 ca, trong đó có 580.525 ca tử vong.
Cột mốc quan trọng trong chiến lược tiêm chủng ở EU
Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 70% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, đạt mục tiêu mà liên minh này đặt ra vào đầu năm nay. Điều này có nghĩa là ít nhất 255 triệu người ở EU đã được tiêm 2 liều vaccine của Pfizer/BioTech, hoặc AstraZeneca, hoặc Moderna hoặc 1 liều của Johnson & Johnson.
Tháng 1 vừa qua, EC tuyên bố vào mùa Hè năm nay, các nước thành viên EU cần phải tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân trưởng thành của mình. Điều này có nghĩa là mỗi quốc gia trong số 27 nước thành viên EU cần phải đạt được mục tiêu này trước tháng 9.
Việc đạt được mục tiêu trên là một cột mốc quan trọng trong chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của EU sau khi khởi đầu một cách chậm chạp. Tuy nhiên, dù đạt được mục tiêu chung nhưng chiến dịch tiêm chủng tại EU vẫn bộc lộ những điểm khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên, trong đó một số nước đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng, trong khi những nước nghèo hơn ở khu vực phía Đông lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Malta hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 90% người trưởng thành. Tỉ lệ này ở Ireland và Bồ Đào Nha là hơn 80%, Pháp - hơn 70%. Trong khi đó, ở khu vực phía Đông, Bulgaria mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 20% người trưởng thành, Romania - 30%. Tại Croatia, Latvia, Slovenia và Slovakia, có khoảng 50% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU cần tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và cũng cần hỗ trợ phần còn lại của thế giới trong công tác này.
WHO theo dõi biến thể mới có khả năng kháng vaccine
Ngày 31/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm. Biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, đã được WHO phân loại là “biến thể đáng quan tâm”. WHO cho biết biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.
Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.
Hiện WHO phân loại 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại”, trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có 5 biến thể, gồm biến thể Mu, đang được theo dõi. Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. WHO cho biết biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỉ lệ này là 39%.
Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha.
Hãng tin Jiji Press dẫn nguồn tin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8. Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng.
Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản. Theo hãng tin Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.
Theo PV/Chinhphu.vn