Nga tiết lộ lý do phát triển nhanh vắc xin COVID-19 chỉ trong 5 tháng

10:08, 16/08/2020
.
Người đứng đầu viện nghiên cứu vắc xin Sputnik V cho biết những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu dịch Ebola và MERS đã giúp Nga tạo ra vắc xin ngừa COVID-19 nhanh chóng chỉ trong 5 tháng.
Ông Alexander Gintsburg, viện trưởng Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Matxcơva, Nga - Ảnh chụp màn hình RT
Ông Alexander Gintsburg, viện trưởng Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Matxcơva, Nga - Ảnh chụp màn hình RT
Trả lời phỏng vấn Đài RT (Nga) ngày 15-8, ông Alexander Gintsburg, viện trưởng Viện Nghiên cứu Gamaleya - nơi phát triển vắc xin Sputnik V - cho biết kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu phát triển vắc xin phòng ngừa dịch Ebola và MERS đã giúp Nga tạo ra được vắc xin ngừa COVID-19 nhanh hơn mong đợi.
 
Ông Alexander Gintsburg nói rằng mặc dù Sputnik V được phát triển chỉ trong 5 tháng, vắc xin này không tự dưng mà có.
 
"Cả một thế hệ các nhà công nghệ sinh học, virus học, nhà nghiên cứu miễn dịch... đã dành hơn 20 năm phát triển công nghệ đã được sử dụng để tạo ra vắc xin này, cùng ít nhất 6 loại thuốc trị bệnh" - viện trưởng Gintsburg giải thích.
 
Ông cho biết thêm, công tác nghiên cứu vắc xin GamEvac-Combi phòng ngừa Ebola cách đây vài năm đã đặc biệt giúp ích.
 
"Kinh nghiệm dồi dào mà chúng tôi đạt được trong lúc tạo ra vắc xin này không chỉ được tận dụng tốt, mà còn được mượn phần lớn, giống như một cái khuôn cối, để nghiên cứu tạo ra vắc xin ngừa COVID-19" - ông Gintsburg nêu chi tiết.
 
Các nhà nghiên cứu cũng tận dụng kiến thức đạt được trong quá trình phát triển vắc xin phòng ngừa Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - dịch bệnh mà theo ông Gintsburg là "tương đồng 80%" với COVID-19 nhưng lại chết chóc hơn.
 
Thông tin trên được tiết lộ cùng ngày Bộ Y tế Nga thông báo đã bắt đầu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 và sản xuất được lô vắc xin đầu tiên.
 
Trước đó, một số nước phương Tây đã bày tỏ hoài nghi về sự an toàn của vắc xin Sputnik V do được phát triển quá nhanh so với bình thường. Nhiều chuyên gia còn cho rằng phải tới ít nhất đầu năm 2021 mới có thể chế thành công vắc xin ngừa COVID-19.
 
Ông Gintsburg nói rằng vắc xin Sputnik V được phát triển tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện nay của Nga. Luật Nga cho phép cắt ngắn quá trình phát triển vắc xin do tình trạng khẩn cấp COVID-19. Tuy nhiên, không khâu an toàn nào đã bị bỏ qua, theo nhà nghiên cứu này.
 
"Hơn 3.500 người đã được tiêm vắc xin này. Họ không cho thấy các tác dụng phụ, ngoại trừ một số tác dụng thường diễn ra trong suốt quá trình tiêm như bị sốt nhẹ" - ông nói thêm.
 
Theo BÌNH AN/Tuổi Trẻ Online
 
 

.