Christina Koch của NASA đã trở lại trái đất an toàn vào ngày 6.2 sau khi phá vỡ kỷ lục nữ phi hành gia với thời gian lưu trú gần 11 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Christina Koch quay trở lại Trái đất sau 328 ngày sống trên Trạm Vũ trụ. Ảnh: AFP |
Koch đã hạ cánh lúc 21h12 trên thảo nguyên Kazakhstan sau 328 ngày trên vũ trụ, cùng với Luca Parmitano của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Alexander Skvortsov của Cơ quan Vũ trụ Nga.
Trong video của Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, Koch mỉm cười sau khi bước ra từ tàu vũ trụ Soyuz.
"Bây giờ, tôi rất choáng ngợp và hạnh phúc", AFP dẫn lời Koch - người đã bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 14.3.2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng Koch trên Twitter: "Chào mừng bạn trở lại Trái đất. Chúc mừng bạn đã phá vỡ kỷ lục nữ phi hành gia ở lại trên vũ trụ lâu nhất. Bạn đang truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em. Điều này làm nước Mỹ thật tự hào".
Koch (41 tuổi) một kỹ sư sinh ra ở Michigan, Mỹ. Vào ngày 28.12, cô đã phá vỡ kỷ lục trước đó về một chuyến bay ở lại trạm vũ trụ 289 ngày do cựu chiến binh NASA Peggy Whitson thiết lập vào năm 2016-2017.
Koch đã gọi cho Whitson (60 tuổi), "một nữ anh hùng" trong mắt Koch, đồng thời là "người cố vấn" trong chương trình không gian sau khi cô vượt qua kỷ lục.
Koch nói về mong muốn "truyền cảm hứng cho các thế hệ thám hiểm tiếp theo".
Trước cuộc hành trình kéo dài 3h30 trở lại trái đất, Koch chia sẻ với NBC News: "Thật vui khi được ở một nơi mà bạn có thể tung lên giữa trần nhà và sàn nhà bất cứ khi nào bạn muốn".
Bây giờ, Koch sẽ đến trụ sở của NASA ở Houston, Mỹ để trải qua thử nghiệm y tế.
Dữ liệu y tế của cô mang lại sẽ đặc biệt có giá trị đối với các nhà khoa học NASA khi cơ quan này lên kế hoạch cho một nhiệm vụ có người sống lâu nhất trên sao Hỏa.
Người phụ nữ đầu tiên trong vũ trụ là nhà du hành vũ trụ Nga Valentina Tereshkova vào năm 1963. Sau đó, vào năm 2014, Yelena Serova nhận nhiệm vụ thám hiểm ở Trạm Vũ trụ Quốc tế. Cả Tereshkova và Serova hiện là các nhà lập pháp trong Quốc hội Nga.
Scott Kelly giữ kỷ lục là nam phi hành gia sống lâu nhất trên vũ trụ với 340 ngày. Năm 2016, anh trở về trái đất an toàn.
Theo HỒNG HẠNH/LĐO