Tăng cường đoàn kết trong Phong trào Không liên kết

02:10, 27/10/2019
.
Chiều 26-10, Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 của Phong trào Không liên kết (NAM) bế mạc Baku, Azerbaijan và thông qua tuyên bố Baku tái khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc Bangdung, nỗ lực đóng góp và duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế.
 Các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 của Phong trào Không liên kết
Các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 của Phong trào Không liên kết


Đồng thuận cải tổ

Với chủ đề “Nêu cao các nguyên tắc Bangdung nhằm ứng phó đầy đủ và phối hợp xử lý các thách thức của thế giới đương đại”, Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 của Phong trào Không liên kết có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và đại diện 120 quốc gia thành viên của NAM, đại diện các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế.

Tại hội nghị, các lãnh đạo tham gia hội nghị đã nhất trí việc cải tổ, đổi mới phương thức làm việc và tăng cường hơn nữa sự đoàn kết giữa các nước tham gia trong phong trào. Đặc biệt, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc, phấn đấu vì một thế giới bình đẳng hơn cho các nước đang phát triển.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định với tư cách Chủ tịch Phong trào Không liên kết trong ba năm tới, Azerbaijan sẽ tôn trọng và thúc đẩy cam kết mạnh mẽ của phong trào đối với các nguyên tắc Bangdung, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết hòa  bình tranh chấp quốc tế… Tổng thống Aliyev cũng cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, phát triển giữa các nước thành viên Phong trào Không liên kết, tăng cường đối thoại với các thể chế đa phương, thúc đẩy lợi ích chung của các nước thành viên Phong trào Không liên kết tại Liên hiệp quốc. Đặc biệt, Tổng thống Aliyev nhấn mạnh sáng kiến của Azerbaijan trong việc tăng cường sự tham gia của thanh niên trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như trong các hoạt động của Phong trào Không liên kết trong thời gian tới.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề cải tổ của Phong trào Không liên kết, phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu  khẳng định tiếp tục ủng hộ Phong trào Không liên kết, nhưng cũng đề nghị phong trào đã tồn tại 6 thập kỷ này định hướng lại trọng tâm của mình để trở nên hiệu quả và phù hợp với bối cảnh của những thách thức mới trong thế giới hiện đại.

Nhiều thách thức

Phong trào Không liên kết được thành lập năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hiệp quốc. Không liên kết là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào Không liên kết từ năm 1976.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ những thách thức to lớn mà Phong trào Không liên kết phải đối mặt, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa đơn phương, chính trị cường quyền, cũng như những khó khăn nội tại như hạn chế chung về nguồn lực, sự gia tăng khác biệt về lợi ích giữa một số nước thành viên và sự can thiệp từ bên ngoài. Trước những thách thức đó, Phó Chủ tịch nước kêu gọi tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các nước Không liên kết, với nền tảng là các nguyên tắc Bangdung, để phong trào có thể tiếp tục là ngọn cờ đầu thúc đẩy thượng tôn pháp luật, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước Không liên kết.

 Trong ngày 26-10, ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong - hae và Chủ tịch Nghị viện Liên minh châu Phi (Pan-African Parliament - PAP) Roger Nkodo Dang.
 

Theo THANH HẰNG/SGGPO
 

.