SEA Games 30: Cuộc đua gay cấn vào TOP 3

09:11, 14/11/2019
.
Với 56 môn và phân môn thi đấu, Philippines đã sẵn sàng cho một cuộc đột phá thành tích mới nhằm soán ngôi số 1 tại SEA Games 30 trên sân nhà. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh vào TOP 3 (chỉ còn 2 vị trí) giữa các đoàn thể thao còn lại sẽ vô cùng khó khăn.
 
Hy vọng mới của quần vợt Việt Nam: Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn (hạng 355 ATP) hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và kịp thời đăng ký bổ sung vào danh sách tranh tài ở SEA Games 30. Nguồn: VTV
Hy vọng mới của quần vợt Việt Nam: Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn (hạng 355 ATP) hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và kịp thời đăng ký bổ sung vào danh sách tranh tài ở SEA Games 30. Nguồn: VTV

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 năm 2019- SEA Games 30- được tổ chức tại Philippines, khai mạc vào ngày 30/11 và kết thúc vào ngày 11/12/2019.

Theo Tổng cục TDTT, kỳ Đại hội này có 56 môn thể thao với 529 bộ huy chương.
 
Có thể thấy 56 môn và phân môn là kỷ lục về số môn thi đấu chính thức tại một kỳ SEA Games trong suốt chiều dài 60 năm lịch sử của Đại hội thể thao Đông Nam Á (kỷ lục cũ là 43 môn tại SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan).
 
Theo đó, 56 môn và phân môn được chia thành 3 nhóm.
 
Nhóm 1 gồm 2 môn Olympic cơ bản là điền kinh (45 bộ huy chương) và bơi (44), cũng là 2 “mỏ vàng” lớn nhất, với tổng cộng 93 nội dung, tương đương 17,58% tổng số HCV của Đại hội.
 
Nhóm 2 gồm 42 môn thuộc chương trình Olympic và ASIAD. Trong đó, taekwondo có nhiều nội dung thi đấu nhất (22), kế tiếp là thể dục dụng cụ (19), judo, wushu (cùng 16), vật, bắn súng, khiêu vũ thể thao (cùng 14), xe đạp, boxing, karate (cùng 13), đua thuyền/ván buồm, đấu kiếm, canoeing/kayak (cùng 12), billiards&snooker, bắn cung, cử tạ (cùng 10), bowling (9)...
 
Nhóm 3 gồm 12 môn thuộc nhóm các môn của khu vực và các môn mới, trong đó nhiều HCV nhất là arnis - môn võ gậy truyền thống của Philippines, với 20 bộ huy chương. Xếp sau lần lượt gồm jujitsu (11), kurash, bi sắt (10), kick boxing (8), sambo (7)...
 
Qua danh sách các môn và phân môn thi đấu tại SEA Games này, có thể nhận thấy, Philippines - với “đặc quyền chủ nhà”- đã sẵn sàng cho một cuộc đột phá thành tích mới, ít nhất cũng tương tự như tại SEA Games 23 năm 2005 (Philippines là chủ nhà, xếp thứ 1). Điều này đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh vào TOP 3 (chỉ còn 2 vị trí) giữa các đoàn thể thao còn lại sẽ vô cùng khó khăn.
 
Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore đều có những thế mạnh riêng, thành hay bại còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, Thái Lan rất mạnh nên chắc sẽ có 1 trong 2 suất hàng đầu còn vị trí thứ 3 chắc chắn là cuộc đua tranh giữa Việt Nam, Malaysia, Singapore.
 
Đối với TTVN, việc lọt vào TOP 3 toàn đoàn lần này được cho là rất khó khăn khi buộc phải giành được ít nhất 60 HCV trở lên (SEA Games 29 năm 2017, TTVN giành được 58 HCV, xếp thứ 3 sau chủ nhà Malaysia và Thái Lan).
 
Theo Tổng cục TDTT, ở kỳ Đại hội này, đoàn TTVN tham gia tranh tài 43/56 môn. Tuy nhiên, ở kỳ SEA Games 30, nước chủ nhà cắt giảm nhiều nội dung mà Việt Nam có thế mạnh khiến cho việc phấn đấu lọt vào TOP 3 của đoàn Việt Nam không hề dễ dàng.
 
Cụ thể, vovinam (kỳ vọng giành 4 HCV) bị loại khỏi nội dung thi đấu. Ở môn Wushu, 2 nội dung mà Thúy Vi có thế giành HCV là kiếm thuật, thương thuật cũng bị cắt bỏ. Với môn võ pencak silat, 2 hạng cân 75 và 95 kg cũng bị loại khiến Việt Nam… mất 2 HCV (Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí từng giành HCV ASIAD 2018 ở 2 hạng cân này).
 
Dù khó khăn như vậy nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 30 vẫn tin tưởng các VĐV sẽ phấn đấu đạt thành tích cao với kỳ vọng vào các môn điền kinh, bóng đá, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, đua thuyền, bơi, cờ vua, cử tạ...
 
Tối 16/11, lễ xuất quân dự SEA Games 30 được tổ chức tại Hà Nội. Đoàn TTVN sẽ nhận trọng trách trước Bộ VHTT&DL phấn đấu giành 65 - 70 HCV và lọt vào vị trí thứ 3 toàn đoàn.
 
Thanh Xuân/Chinhphu.vn

.