(Báo Quảng Ngãi)- Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975 - 24/3/2023), gợi nhớ trong tôi câu chuyện chiếu phim và văn nghệ quần chúng sau Ngày đất nước thống nhất. Những đêm xem phim, những buổi văn nghệ quần chúng luôn là ký ức khó quên đối với nhiều người.
1. Ngày 24/3/1975 tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng. Nhiều gia đình trở về quê cũ, nơi gắn bó thân thương nhưng chiến tranh ác liệt nên không một ngôi nhà nào còn sót lại, các hố bom to như cái ao hay hố pháo như cái nón lật ngửa nằm ở khắp các ruộng vườn. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các gia đình dựng lán trại để ở và việc đầu tiên là phải mua sắm nông cụ, khai hoang phục hóa vườn tược, ruộng đồng. Khi Quảng Ngãi giải phóng thì chiến tranh chưa thực sự kết thúc, trên Quốc lộ 1 thỉnh thoảng có những đoàn xe Môlôtôva chở bộ đội, những đoàn xe tăng, xe kéo tên lửa dài ngoẵng tiếp tục Nam tiến để giải phóng hoàn toàn miền Nam hơn một tháng sau.
Đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Truyền thông - Văn hoá - Thể thao huyện Ba Tơ chiếu phim phục vụ người dân ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang (Ba Tơ). ẢNH: THÀNH SỰ |
Cũng có các phim nước ngoài, chủ yếu là phim các nước xã hội chủ nghĩa. Phim thần thoại Liên Xô “Rutxlan và Liudmila” (chuyển thể từ kịch của thi hào Puskin) được công chiếu khá phổ biến. Phim chiếu đi chiếu lại nhiều lần nên có khi bị đứt, người chiếu phim phải xin lỗi khán giả chờ nối lại phim rồi chiếu tiếp. Mỗi lần như vậy, đây đó người ta cười đùa, bảo hôm nay được xem “phim Đức” (ý nói là phim bị đứt).
Các đội viên chiếu bóng với mũ cối và bộ cánh cán bộ có rất nhiều kỷ niệm về những đêm đi chiếu phim, có những chuyện khá buồn cười. Có anh kể rằng anh đến một làng vùng cao nọ chiếu phim, trong phim có cảnh chiếc xe tăng từ xa tiến lại gần, khán giả ở góc xem ấy bỗng dưng chạy dạt cả ra. Họ như đang tránh chiếc xe tăng thật đang tiến về phía họ.
2. Sau giải phóng một thời gian ngắn, Đoàn tuồng Liên khu 5 về biểu diễn ở sân vận động Diên Hồng (TX.Quảng Ngãi). Khán giả đến xem rất đông. Có điều xem phim hay xem văn nghệ đều phải chịu khó đứng xem, cho hết buổi rồi về. Trong tỉnh thì có Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi (thành lập năm 1964), đoàn văn công miền núi và đoàn văn nghệ ở huyện. Nhưng khác với phim, số lượng đoàn nghệ thuật dù sao cũng có hạn, không thể đi biểu diễn khắp mọi nơi. Vì vậy, bên cạnh việc xem phim do Nhà nước tổ chức chiếu, phong trào văn nghệ quần chúng rất phổ biến ở khắp các thôn, xã. Gần như là thi đua với nhau, thôn, xã này tổ chức thì thôn, xã khác cũng tổ chức.
Hội diễn văn nghệ quần chúng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. ẢNH: NHỊ PHƯƠNG |
Ngày nay, nhớ lại những chuyện về phim và văn nghệ quần chúng sau ngày đất nước thống nhất là nhớ lại một thời cuộc sống dẫu khó khăn nhưng rất vui. Xem phim chiếu lưu động và xây dựng văn nghệ quần chúng thời bấy giờ đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, không khác gì cơm ăn áo mặc, trong lúc vết tích của cuộc chiến vừa qua vẫn còn in hằn ở khắp mọi nơi. Đó là ký ức khó quên đối với nhiều người.
MINH TUỆ