Lưu giữ nét văn hóa của đồng bào Hrê

04:03, 04/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với niềm đam mê nhiếp ảnh, ông Bùi Đình Ngôn (61 tuổi) - nguyên Giám đốc Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, đã có nhiều tác phẩm ghi lại khoảnh khắc về cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào Hrê. đây cũng là cách để ông lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. 
[links()]
 
Lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp 
 
Ông Bùi Đình Ngôn sinh ra và lớn lên ở xã Đức Hòa (Mộ Đức), nhưng ông gắn bó với mảnh đất Ba Tơ anh hùng gần 30 năm kể từ khi về đây nhận công tác. Ông Ngôn kể, năm 1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ ở Trung đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5), được giao nhiệm vụ làm ảnh tư liệu, truyền thống của đơn vị. “Thuận lợi của tôi trên bước đường trải nghiệm với nhiếp ảnh nghệ thuật chính là được gặp những đồng đội cùng niềm đam mê. Vì thế, tôi nhanh chóng học được những kiến thức cơ bản từ chụp ảnh. Cứ như vậy, từ tò mò, yêu thích và đam mê sâu trong tiềm thức lúc nào không hay”, ông Ngôn chia sẻ.
 
Ông Bùi Đình Ngôn có nhiều tác phẩm về cuộc sống thường ngày của đồng bào Hrê.                               Ảnh: PV
Ông Bùi Đình Ngôn có nhiều tác phẩm về cuộc sống thường ngày của đồng bào Hrê. Ảnh: PV
Sau khi xuất ngũ, ông Ngôn được phân công làm việc tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Để phục vụ công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa đồng bào Hrê, tranh thủ thời gian rảnh cuối tuần, ông lại rong ruổi đi tìm những khung hình đẹp. Ông bắt đầu chụp ảnh nhiều hơn và chụp ảnh cũng trở thành nghề mưu sinh của ông, hỗ trợ ông trong việc sáng tác, tạo ra những bức ảnh nghệ thuật. Ngày đó, máy ảnh không hiện đại như bây giờ, để cho ra một tấm ảnh phải qua nhiều công đoạn. Sau thời gian mưu sinh trang trải cuộc sống, ông dành dụm tiền để sở hữu chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời với giá 200 nghìn đồng, rồi mày mò học chụp qua sách dạy kỹ thuật chụp ảnh nghệ thuật.
 
Từ mưu sinh đến yêu thích rồi đam mê, nhiếp ảnh dần ngấm vào người ông Ngôn như một chất men ngọt ngào sau những lần bấm máy. Ông bảo, đi nhiều chụp nhiều thành quen, trải nghiệm nhiều mới rút ra được những kinh nghiệm quý giá. Hôm nay chụp chưa đẹp, ngày mai chỉnh lại máy móc, xem lại góc chụp. Cứ kiên trì, thông qua màu sắc, đường nét và những khoảnh khắc tuyệt vời sẽ đưa “đứa con tinh thần” của mình sống mãi với thời gian.
 
Ông Ngôn thích bản tính chất phác, thật thà của đồng bào Hrê. Ông bị cuốn hút bởi sự tự nhiên, những cảm xúc chân thực ở nụ cười, sự chăm chỉ lao động. Chính vì vậy, ông muốn đưa những hình ảnh đẹp ấy đến với mọi người, cho người xem cảm nhận giá trị nguồn cội của dân tộc, hay lại tìm đến để trải nghiệm, cảm nhận hạnh phúc qua nụ cười của các bà, các chị và khung cảnh bình yên, tràn đầy sức sống của cảnh sắc núi rừng...
 
Góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Hrê
 
“Tôi vẫn đang mải miết trên hành trình đi săn cái đẹp. Những bức ảnh tôi chụp không mang mục đích dự thi nên không nặng nề phải đoạt giải thưởng. Tôi mong có sức khỏe để đi và ghi lại nhiều khoảnh khắc của cuộc sống, để ngắm, chiêm nghiệm và mong muốn lưu lại tư liệu về nét đẹp văn hóa của đồng bào Hrê cho thế hệ sau này”.
Ông BÙI ĐÌNH NGÔN

Tham gia vào Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) gần 30 năm, ông Bùi Đình Ngôn có cơ hội đi sáng tác, học tập và trải nghiệm. Tác phẩm đầu tay của ông mang tên “Người Hrê đi săn”, bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc của một người đàn ông đóng khố, đôi tay trần khỏe mạnh mang theo giáo mác vào rừng săn bắt. Đó là hình ảnh đầu tiên ông ghi lại được trong cuộc sống của người Hrê. Tác phẩm đã đoạt giải A Cuộc thi ảnh nghệ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 1994, tạo cho ông niềm hứng khởi trong sáng tác về người đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ đó, ông có hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật được triển lãm, đoạt giải tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp tỉnh, Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên...

 
Ông Ngôn đi nhiều, bắt gặp nhiều khoảnh khắc đẹp. Xem những tác phẩm mà ông đã chụp, độc giả sẽ thấy những khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ của người dân  khi thu hoạch vụ mùa qua tác phẩm “Đón gió”, nụ cười thoải mái khi tham gia lễ hội qua tác phẩm “Sức mạnh trai làng”; thấy các bà, các chị mặc trang phục truyền thống dệt thổ cẩm qua tác phẩm “Bảo tồn làng nghề”; hay bắt gặp khung cảnh quen thuộc sau căn bếp qua “Công đoạn nấu cơm làm rượu cần”... Những tác phẩm của ông được trưng bày trong các dịp lễ, Tết, giao lưu văn hóa, không chỉ khiến người dân thêm tự hào, mà còn giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, cuộc sống và những nét đẹp riêng của đồng bào Hrê.
 
TRUNG ÂN
 

.