(Báo Quảng Ngãi)- Tác giả Nguyễn Giàu vừa ra mắt tập thơ “Dấu ấn”, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Đây là tập thơ thứ hai của Nguyễn Giàu, gồm 100 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Tập thơ gồm 4 phần. Ở phần I, tác giả giới thiệu các bài thơ “Dấu ấn”, “Quê ngoại”, “Mưa thu”, “Vợ chồng hạnh phúc”, “Sáu con trai”, “Thâm tình phụ tử”, “Thân mẫu”, “Thiên thu”... Đây là những bài thơ thể hiện suy nghĩ, tình cảm của tác giả dành cho quê hương, ông bà, cha mẹ, con cái và cả những con người kém may mắn trong cuộc sống... Đọc những bài thơ trên, bạn đọc không khỏi cảm phục tác giả, bởi thơ thất ngôn bát cú Đường luật là một thể thơ khó viết, đòi hỏi khắt khe về vần, niêm, luật, đối, cú pháp, vậy mà Nguyễn Giàu đã viết rất hay, rất sâu sắc với những câu từ gần gũi, đi vào lòng người.
“Từng trang nhật ký vượt thời gian/ Ghi chép thành chương tứ rõ ràng/ Nét bút thanh cao trao ý nhạc/ Vần thơ ấm áp tỏa hương lan/ Âm dương kết tụ đồng tương ứng/ Sinh khí giao hòa đượm chứa chan/ Toại nguyện tâm đời vui đạo hạnh/ Gia tiên hồng phúc vạn ân ban”
(Dấu ấn).
Ở phần I, tính sáng tạo trong thơ của Nguyễn Giàu còn thể hiện ở một số bài thơ như bài “Sáng xuân”, “Duyên Kiều”... Đặc biệt là bài thơ "Duyên Kiều", đọc tám chữ đầu mỗi câu thành một câu thơ:
“NỬA đời bạc mệnh kiếp hồng nhan/ CHỪNG ấy gây nhiều cảnh trái ngang/ XUÂN diện, duyên Kiều sanh ngọc quý/ THOẮT thời, Kim Trọng tỏa đài trang/ GÃY đôi nhịp nối chưa hoài bão/ CÀNH lẻ chông chênh phận thở than/ THIÊN sứ bồng lai lưu vạn thuở/ HƯƠNG thơm cảm hóa nợ trần gian”.
Phần II của tập thơ có tựa đề là “Cội nguồn”, phần này có những bài thơ được tác giả cảm tác trong những chuyến đi thực tế. Nguyễn Giàu đi nhiều, viết nhiều, đến đâu anh cũng cảm tác. Đến Đền Hùng, tác giả đã ghi:
“Đền Hùng sương sớm cảnh bồng tiên/ Quốc thái Văn Lang một cõi thiên/ Linh khí đồi xanh hòa sắc thắm/ Ánh vàng tượng cổ rực hùng thiêng/ Hiển linh hình bóng người trên áng/ Nghi ngút nén trầm tỏa trước hiên/ Con cháu lòng thành dâng lễ vật/ Yên dân mạnh nước vững lâu bền”
(Đền Hùng). Hay như
“Đường lên Yên Tử dốc cheo leo/ Hiểm trở gian nan cảnh núi đèo/ Tháp cổ nguy nga chuông thiền thỉnh/ Chùa xưa lộng lẫy gió thông reo/ Trông làn mây phủ vơi lòng tục/ Lắng tiếng chim ca nhẹ bước trèo/ Hương khói trầm nhang người viếng lễ/ Đức Trần thiền định phúc truyền theo”
(Yên Tử). Nhiều bài thơ trong tập thơ “Dấu ấn” viết về cội nguồn, niềm tự hào dân tộc, về những bậc anh hùng hào kiệt.
Tựa đề phần III của tập thơ là “Cảm tác về tứ linh, 12 con giáp, ngư - tiều - canh - mục”. Những bài thơ này gợi nhớ về một thời xa xưa với quan niệm 12 con giáp, tứ linh, tứ dân. Nhà thơ Nguyễn Giàu như thả hồn về một miền ký ức xa xăm để chiêm nghiệm và suy tư về cuộc đời.
“Tuổi Ngọ kiên trì thật quyết tâm/ Tài năng giao tiếp ít sai lầm/ Lạc quan nhạy bén lo chung hội/ Tích cực hăng say đủ xứng tầm/ Sự nghiệp trung niên vì củng cố/ Công danh xứng đáng bởi càng chăm/ Gia phong toại nguyện như mong ước/ Hòa hợp cộng đồng rạng tiếng tăm”
(Tuổi Ngọ).
Phần IV có tựa đề “Xướng họa”, là những bài thơ tác giả họa lại với bạn bè, thân hữu gần xa. Trong phần này có nhiều tác giả xướng họa, nên đa số bài mang tính chất tự trào. Đọc những bài thơ này ta thấy được những suy tư, trăn trở của nhà thơ.
“Quý Tỵ vừa tròn tuổi bảy hai/ Cuộc đời hụt hẫng chẳng dư dài/ Hoa niên hưng phấn tài năng động/ Phụ lão giảm suy trí miệt mài/ Cũng đủ vuông tròn thêm mãn nguyện/ Càng bền hạnh phúc chẳng khôi hài/ Thời gian bận rộn còn dan díu/ Xã hội, gia đình trọn cả hai”
(Sinh nhật thứ bảy hai - Bài xướng)...
Đọc từng bài thơ trong tập thơ “Dấu ấn” của Nguyễn Giàu, bạn đọc như được trải nghiệm những cảm xúc, suy tư về cuộc sống. Qua 100 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật cho thấy năng lực sáng tạo đầy hưng phấn của nhà thơ Nguyễn Giàu.
PHẠM VĂN HOANH