(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng trống vang xa, chiêng ngân nga trong gió và điệu mõ rộn ràng hòa cùng sóng biển rì rầm vỗ về bờ cát. Mọi người thành tâm khấn vái rồi đưa cá vào an táng cạnh lăng Ông bên chân sóng.
[links()]
Bãi biển Hóc Mó, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cong cong tựa mảnh trăng non đầu tháng lơ lửng giữa trời. Hai ngọn núi như đôi tay của sơn thần vươn ra biển cả tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ làm say lòng lữ khách. Rặng thùy dương vi vu như lời tự tình với gió phiêu bồng và phóng đãng. Những ngư dân làng chài bên chân sóng bao đời bám biển mưu sinh. Họ thành tâm khẩn cầu đấng linh thiêng phù hộ vượt qua cuồng phong trên biển cả, cho thuyền về bến tôm cá đầy khoang...
Từ độ mở cõi
Bên bãi biển Hóc Mó có lăng thờ cá Ông theo tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Họ gọi là lăng Ông với dáng vẻ hết sức uy nghiêm. Theo nhiều bô lão ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, lăng được xây dựng từ thuở người Việt theo chân Chúa Nguyễn vào mở mang, khai phá đất phương Nam. Họ lập làng bên biển và ngày ngày dong thuyền lướt sóng vươn khơi buông lưới bắt cá tôm. Rồi một ngày, họ phát hiện cá đã chết to lớn dạt vào bờ biển. Mọi người cùng nhau tổ chức cúng bái và đưa xác cá vào chôn cất. Sau đó, họ góp công sức và tiền của xây dựng lăng để thờ phụng, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên vui.
Lăng Ông ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). |
“Trong làng có người chết đưa ra nghĩa địa chôn phải vòng ra phía sau lăng chứ không đi phía trước. Người đội khăn tang cũng không dám đi trước lăng. Đối với người dân trong làng thì lăng Ông linh thiêng lắm. Nhiều ngư dân trước khi ra biển thường mang hương hoa đến khấn vái cầu mong được phù hộ...”, chị Võ Thị Sương góp chuyện.
Thành tâm tế lễ
Khi có cá lớn như cá voi, cá heo, cá nhà táng... trôi dạt vào bờ, người dân làng chài Thạnh Đức 1 gọi là Ông lụy. Không ai bảo ai, họ chung tay lo tổ chức lễ cúng. Ban tế tự kính cẩn bày lễ vật và thắp hương khấn nguyện. Tiếng trống vang xa, chiêng ngân nga trong gió và điệu mõ rộn ràng hòa cùng sóng biển rì rầm vỗ về bờ cát. Sau đó, họ đưa cá vào an táng cạnh lăng. Con trẻ líu ríu theo chân người lớn chăm chú xem cảnh tế lễ và chôn cất cá. Sau chừng 2 năm, những bậc cao niên trong làng cùng Ban tế tự tổ chức khai quật mộ cá. Họ dùng rượu thơm rửa sạch xương cá và cho vào tiểu quách trước khi đưa lên bệ thờ. "Từ xa xưa truyền lại, lễ giỗ Ông được tổ chức vào ngày 23/6 âm lịch hằng năm. Bữa đó mà có Ông nào chôn cất đủ từ 2 năm trở lên thì chúng tôi cất bốc và đưa vào trong lăng. Dân làng cùng con cháu ở xa cũng về đây lo sửa soạn và tham dự lễ giỗ. Mọi người khấn cầu thần Nam Hải phù hộ ngư dân vượt qua nguy nan khi đánh bắt trên biển", cụ Nguyễn Xu cho biết.
Ngoài lễ giỗ Ông, hằng năm, người dân trong làng còn tổ chức 2 lần tế lễ. Đó là tế xuân vào mùng 10 tháng Giêng và xếp ấn vào 25 tháng Chạp. Tế xuân cầu mong cả năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Xếp ấn là lễ cúng bốc thăm thứ tự tàu cá xuất bến vào sáng mùng 3 Tết. Chủ tế là ông Trưởng vạn chài mặc áo dài xanh, đầu đội mũ đỏ thêu hình lưỡng long tranh châu, ngực áo gắn tấm vải đỏ thêu hình chim hạc vỗ cánh sắp tung bay. Thành viên trong Ban tế tự mặc áo dài xanh, đầu đội mũ đen thêu những họa tiết khá đẹp mắt. Dáng vẻ của họ như những vị quan thuở xa xưa. Người lớn chung tay sửa soạn mâm cỗ dâng lên ban thờ, con trẻ nói cười ríu rít chờ được cho ăn cỗ. "Khi tôi còn nhỏ rất thích những bữa cúng như thế. Mọi người chung tay sửa soạn cúng, xong rồi cùng ăn với nhau, trẻ nhỏ cũng có phần. Vui lắm!", chị Sương thổ lộ.
Trong tâm thức bao đời của cư dân Thạnh Đức 1, lăng Ông là chốn linh thiêng. Đấy là nơi họ hy vọng tìm được sự chở che trong những lúc hiểm nguy khi mưu sinh trên biển cả, nơi gắn kết cộng đồng cho nghĩa tình xóm làng thêm bền chặt.
TRANG THY