Cả đời đam mê và cống hiến cho nghệ thuật bài chòi

02:12, 21/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần nửa thế kỷ, bà Trần Thị Mỹ Lệ, ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) dành nhiều tâm huyết để biểu diễn, lưu giữ, trao truyền bài chòi cho thế hệ trẻ. Dấu chân của bà in khắp nơi, từ các làng quê cho đến sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh để biểu diễn, trao truyền nghệ thuật bài chòi, lưu giữ cho đời sau.
 
[links()]
 
Với nhiều đóng góp cho nghệ thuật bài chòi, năm 2022, bà Lệ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là niềm khích lệ để người nghệ sĩ này tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.
 
Trọn đời sống với bài chòi
 
Tìm gặp Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Mỹ Lệ tại nhà riêng, bà mở màn với giọng hát ngọt ngào để chào khách: “Anh có thấy gì không?/ Xuân về lan tỏa khắp nơi/ Nhà nhà sửa soạn đón mời xuân sang/ Từ thành thị đến buôn làng/ Người vui, hoa nở ngập tràn niềm tin...”. Dù đã bước qua tuổi 60, nhưng giọng hát của bà vẫn mượt mà như thuở đôi mươi. Nhiều năm nay, để giữ gìn, lưu truyền bài chòi, bà Lệ dành nhiều thời gian hướng dẫn học trò hát, biểu diễn bài chòi. Bà Lệ cho biết, gần như trọn cuộc đời tôi dành cho môn nghệ thuật gian dân này. Với tôi, bài chòi là hơi thở, là cuộc sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày.
 
 Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Mỹ Lệ (thứ hai bên trái) đang trò chuyện về nghệ thuật bài chòi với những người trẻ.
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Mỹ Lệ (thứ hai bên trái) đang trò chuyện về nghệ thuật bài chòi với những người trẻ.
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều có năng khiếu hát hố, bài chòi. Máu nghệ sĩ thấm sâu vào cô bé Lệ ngay từ thuở nằm nôi mỗi khi nghe lời ru ngọt ngào của mẹ. Ngay từ nhỏ, Lệ đã sớm bộc lộ năng khiếu hát bài chòi. Với giọng hát trời phú ngọt ngào, trong trẻo, khi 14 tuổi, Lệ đã về đầu quân cho Đoàn Văn công của tỉnh Nghĩa Bình (cũ). Sau đó, cô gái Lệ đã gặp và bén duyên sân khấu với Trịnh Công Sơn. Năm 1982, họ nên nghĩa trăm năm, gắn bó với nhau trên mỗi bước đường nghệ thuật.
 
Trải qua bao thăng trầm với bài chòi, niềm vui “kép” đến với gia đình bà Lệ, khi vừa qua, ông Sơn cũng được phong tặng Nghệ nhân nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng với những đóng góp của đôi vợ chồng đã dành cả đời cho nghệ thuật bài chòi. Với tài năng của mình, năm 2010, bà cùng chồng được Bộ VH-TT&DL mời ra phục dựng nghệ thuật bài chòi trên đất Bắc. Dàn dựng và đào tạo cho 2 lớp thuộc Khoa Kịch hát dân tộc (Trường Sân khấu Điện ảnh). Đào tạo, dàn dựng tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn” cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tiếp đó là bồi dưỡng cho diễn viên của Đoàn dân ca ở miền Bắc...
 
Gần 50 năm theo đuổi nghệ thuật, bà Lệ cùng bạn đời - bạn diễn Trịnh Công Sơn có mặt khắp các sân khấu. Hai vợ chồng luôn vào vai đào, kép chính của các vở ca kịch bài chòi. Bà Lệ đã cùng chồng biểu diễn hàng trăm vở diễn khác nhau, nhưng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả trong và ngoài tỉnh vẫn là những vở kinh điển như: “Núi rừng năm ấy”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”, “Thoại Khanh -  Châu Tuấn”. 
 
Truyền lửa đam mê
 
Đến nay, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Mỹ Lệ đã có hơn 20 giải thưởng lớn nhỏ tại các hội thi, hội diễn, liên hoan bài chòi trong cả nước. Điển hình như giải A  Liên hoan Bài Chòi tỉnh Phú Yên năm 2014; giải Đặc biệt tại Liên hoan Hát ru và hát dân ca tại Đà Lạt năm 2000; huy chương bạc tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi, dân ca kịch toàn quốc năm 2018, với vở “Núi rừng năm ấy”...

Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của bà Lệ trở thành điển hẹn của những người yêu thích bài chòi. Bà dành hẳn ngôi nhà nhỏ của gia đình làm trụ sở hoạt động của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi do bà làm cố vấn chuyên môn.

 
Dù đã ngoài 60 tuổi, bà Lệ vẫn cùng chồng miệt mài với những buổi đứng lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống bài chòi cho các thế hệ giáo viên, học sinh và những nghệ sĩ ở các địa phương. Từ năm 2013, thực hiện dự án đưa bài chòi vào trường học ở các tỉnh, thành phố miền Trung, mà đầu tiên là Quảng Ngãi, tiếp đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên... bà Lệ cùng chồng luôn có mặt trong các buổi giảng dạy. “Có thể chưa hay, nhưng chính niềm say mê từng lời hô, câu hát của các cháu học sinh là niềm hy vọng về một lớp trẻ kế cận biết giữ gìn và tiếp tục phát huy nghệ thuật bài chòi”, bà Lệ bộc bạch.
 
Hiện nay, ngoài giảng dạy, bà Lệ cùng chồng cộng tác với nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh hướng dẫn nhiều học viên cách hát cũng như dàn dựng tiết mục bài chòi, để tham gia các cuộc thi, phong trào không chuyên do tỉnh, huyện và các ngành tổ chức.
 
“Niềm tự hào nhất của những người nghệ sĩ như tôi là nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng chúng tôi ngày một lớn tuổi rồi, nên mong ước lớn nhất là nghệ thuật bài chòi sẽ nhận được nhiều sự quan tâm để chúng tôi có điều kiện truyền lại cho mai sau”, bà Lệ nhấn mạnh.
 
Hiện nay, Quảng Ngãi đã có kế hoạch triển khai Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi, nên những nghệ nhân như bà Lệ có thêm không gian để cống hiến, trao truyền nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 

.