Tri ân mẹ thiên nhiên

02:12, 19/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Họ sắm sửa lễ vật rồi mang vào rừng thành tâm cúng bái, nguyện cầu được bình an, làm ăn thuận lợi. Phong tục cúng rừng lưu truyền bao đời nay ở vùng đất phía nam Quảng Ngãi.
[links()]
 
Cúng rừng ở hố Ông Chò
 
Gần trưa, khu rừng hố Ông Chò nằm phía tây nam xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) chìm trong làn mưa lất phất. Vợ chồng ông Trần Sơn giăng bạt che mưa trước khi sửa soạn lễ cúng. Tấm bạt bằng ni lông được nối với những sợi dây cột vào cây keo nguyên liệu thân vươn thẳng lên nền trời. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, vợ ông Sơn, trải những chiếc bao đan bằng nhợ mỏng trên nền đất nâu lẫn lá cây mục và sỏi đá. Rồi bà Nghĩa cẩn thận bày lễ vật: Đầu heo luộc, xôi nếp nấu đậu xanh, cháo, gỏi bún mì, lòng heo, bánh trái, nước ngọt, trà, rượu... “Tôi dậy lúc 4 giờ sáng để đến lò xẻ heo lựa mua đầu và lòng vừa mới xẻ. Sau đó đến chợ mua thêm các thứ về nấu nướng rồi chở vào đây...”, bà Nghĩa cho biết.
 
Ông Trần Sơn, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) bày lễ vật để cúng rừng.                                              Ảnh: Trang Thy
Ông Trần Sơn, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) bày lễ vật để cúng rừng. Ảnh: Trang Thy
Sau khi bày biện lễ vật, ông Sơn thắp nhang cúng bái, lầm rầm khấn nguyện, tiếng thầm thì lẫn trong mưa rơi và gió ngàn xào xạc. Khói hương tan trong gió. Hương tàn, vợ ông cùng người cháu xắt thịt và lòng heo bày ra đĩa. Lát sau, bà Nghĩa mang thức ăn đến từng lán trại cho đồng bào dân tộc Hrê khai thác keo thuê và mời họ cùng chủ rừng bên cạnh tụ họp chung vui. Họ thưởng thức món ăn và chuyện trò rôm rả át tiếng mưa rơi. "Tôi đi làm keo (đốn hạ và lột vỏ keo thuê) cho nhiều người ở xã Phổ Cường, thấy họ đều cúng rừng. Cúng xong rồi họ mời chúng tôi ăn uống như anh em họ hàng, vui vẻ lắm", anh Phạm Văn Lít, ở xã Ba Tô (Ba Tơ), tâm sự.
 
Ông Sơn cùng người cháu trồng khoảng 6ha keo nguyên liệu tại khu rừng Hố Ông Chò. Sau 4 - 6 năm, ông thuê người khai thác rồi vận chuyển đến bán cho nhà máy sản xuất dăm gỗ, rồi đốt dọn thực bì và trồng lứa mới. Mỗi bận khai thác, vợ chồng ông đều sắm sửa lễ vật mang vào rừng thành tâm cúng bái. "Ở đây ai cũng vậy. Cứ mỗi đợt khai thác thì chủ rừng đều làm lễ cúng cầu mong thần rừng phù hộ mọi việc suôn sẻ, tránh được rủi ro cho bà con cưa hạ và lột vỏ keo. Người có rừng nhiều thì cúng lớn, có cả con heo quay và nhiều thứ nữa. Người ít thì cũng làm con gà luộc, nải chuối, hoa quả cùng vài đĩa xôi...", ông Sơn cho biết.
 
Phong tục bao đời
 
Nhiều bậc cao niên ở xã Phổ Cường cho biết, bao đời cư dân nơi đây luôn quan niệm: Đất có Thổ công, sông có Hà bá và Sơn thần cai quản rừng xanh. Sau vụ thu hoạch, chủ đất mang nải chuối, gà luộc, đĩa xôi cùng vài nén hương ra ruộng đồng hay trên gò đồi cúng tạ ơn đấng linh thiêng ban cho sản vật nuôi sống con người. Khói hương bảng lảng giữa chiều phai nắng. Họ thành tâm khấn vái cầu mong vụ sau mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho gia đình no đủ.
 
Lũ mục đồng quẩn quanh gần đấy chờ nhận lễ vật từ người chủ đất tốt bụng rồi chia nhau ăn ngon lành. Gặp bữa chỉ có nải chuối chín vàng hươm cũng khiến lũ trẻ tíu tít nói cười lễ phép đưa tay đón nhận. Tấm lòng thơm thảo của người dân quê chất phác giúp trẻ thơ vơi cơn đói sau buổi rảo bước theo đàn bò gặm cỏ trên đồng. "Lễ vật cúng đất đai sau mỗi vụ mùa thường cho trẻ nhỏ hay mời những người làm đồng gần đấy ăn hết chứ không mang về nhà", ông Nguyễn Văn Trí, ở xã Phổ Cường, cho biết.
 
Nhiều người cảm thấy mình bé nhỏ trước rừng xanh bao la nên mong được chở che, giúp đỡ. Họ sắm sửa lễ vật mang vào rừng thành tâm cúng bái Sơn thần. Cúng rừng còn thể hiện sự tri ân mẹ thiên nhiên đã ban cho họ những sản vật từ rừng để có cuộc sống ấm no. “Sản lượng cây keo cao hay thấp cũng cúng, vì đó là sự trả ơn núi rừng. Lần này chưa đạt theo ý muốn, thì cầu mong lần sau cây xanh tốt, thu được nhiều hơn...”, ông Sơn giãi bày.
 
TRANG THY
 
 
 

.