(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương cùng người dân vùng cao trong tỉnh đang nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
[links()]
Cuối tháng 10 âm lịch hằng năm, sau vụ thu hoạch lúa rẫy, đồng bào Cor lại tổ chức tết Ngã rạ để tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho người dân một vụ mùa ấm no, an lành. Cầu cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Đây là hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. Mới đây, đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) đã tổ chức tết Ngã rạ với nhiều hoạt động như giã gạo rẫy, làm các mâm cúng thần lúa, thần nước và các vị thần linh cùng các điệu chiêng, điệu múa... Đây cũng là hoạt động được xã Bình An tổ chức hằng năm, nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
|
Các mâm cúng thần lúa, thần nước của đồng bào dân tộc Cor được tái hiện tại tết Ngã rạ. |
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê, huyện Sơn Hà đã chú trọng khôi phục kiến trúc nhà sàn, kết hợp phục dựng cảnh quan ngôi làng truyền thống, phát triển nghề truyền thống của dân tộc Hrê như dệt vải, đan lát, làm rượu cần... Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Dôn, ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) cho biết, thời gian qua, các nghệ nhân đã sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ các làn điệu dân ca của đồng bào Hrê như Ca lêu, Ca choi... Đây là các làn điệu tiêu biểu, luôn được dàn dựng, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa - văn nghệ.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, các huyện miền núi hiện có 333 nghệ nhân đang gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, 13 loại hình di sản được kiểm kê, 131 lễ hội truyền thống, 96 nghề thủ công, 159 nghệ thuật trình diễn dân gian, 160 tri thức dân gian về tập quán xã hội, 117 tri thức dân gian về tiếng nói, chữ viết, 128 tri thức dân gian về y học cổ truyền. Ngoài ra, còn có hàng trăm tri thức dân gian về trang phục của đồng bào. |
Tại huyện Sơn Tây, một số làng điển hình được chọn để bảo tồn mô hình nhà sàn truyền thống. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng bảo tồn các nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Brau, Ra ngói, cồng chiêng. Đến nay, toàn huyện có hơn 120 bộ chiêng Kần, 166 bộ chiêng Lênh, 40 đàn Brook, Brau, đàn Ra ngói... được bảo tồn tại các hộ gia đình.
Đầu năm 2022, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6). Đây là dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của dự án là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
|
Điệu múa truyền thống được biểu diễn tại tết Ngã rạ của đồng bào dân tộc Cor, ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn). |
Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện các nội dung thuộc Dự án 6. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá văn hóa của mỗi dân tộc, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương sẽ chú trọng bảo tồn, phát huy các tác phẩm nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục, lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Bài, ảnh:
V.YẾN