Bảo toàn nguyên vẹn giá trị văn hóa của đầm An Khê

09:11, 09/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Đầm An Khê ở TX.Đức Phổ là đầm nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam, hình thành cách đây khoảng 3.000 – 4.000 năm. Đầm được xem là trái tim của quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Việc bảo đảm tính toàn vẹn của đầm mang ý nghĩa lớn về văn hóa cũng như phát huy giá trị trong tương lai.
[links()]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có văn bản kết luận thống nhất không tiếp tục đề xuất dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đồng thời, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh lập hồ sơ đảm bảo công tác pháp lý, cơ sở thực tiễn của địa phương; tăng cường truyền thông nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh.
 
Điều này đồng nghĩa, lãnh đạo tỉnh đã thể hiện sự dứt khoát trong việc ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Quyết định đúng đắn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng dân cư sống gần khu vực đầm. Họ là những người mưu sinh và gắn bó máu thịt với đầm An Khê. “Người dân nơi đây rất phấn khởi với sự chọn lựa này của lãnh đạo tỉnh. Trước kia, họ rất lo lắng, sợ rằng đầm An Khê sẽ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các dự án điện mặt trời. Bây giờ, họ đã thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ được gánh nặng”, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh ông Phạm Kim Oanh chia sẻ.
Rất nhiều cư dân địa phương đang có nguồn thu nhập chính từ đầm An Khê.
Rất nhiều cư dân địa phương đang có nguồn thu nhập chính từ đầm An Khê.
 
Từ góc nhìn của các nhà khoa học, đây được xem là cơ hội để phát huy những giá trị quan trọng của Văn hóa Sa Huỳnh. PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, dừng dự án điện mặt trời trên đầm An Khê là tránh được những hệ lụy trong việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Các di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ở xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã hội đủ tính nguyên vẹn, tính chân xác và giá trị lịch sử văn hóa nổi bật để xây dựng hồ sơ di sản quốc gia đặc biệt.
 
Những di tích này không phải là vô hạn, dễ bị tổn thương và không thể tái tạo được. Nên việc quy hoạch bảo vệ di sản cần gắn với bảo vệ môi trường và sự đồng thuận về lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương, sự tham gia của các nhà khoa học, nhà  doanh nghiệp và nhà quản lý trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
 
Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, đầm An Khê là “mắc xích” quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Khai thác du lịch đầm An Khê là hướng phát triển có nhiều tiềm năng, có thể kết hợp được nhiều loại hình như: Du lịch ngắm bình minh và hoàng hôn trên đầm; du lịch tìm hiểu đời sống của dân cư. Du khách sẽ được đi thuyền trên đầm An Khê, ngắm cảnh đẹp tự nhiên, nếp sống sinh hoạt và đánh bắt của người dân vùng này; tổ chức cắm trại, thưởng thức đặc sản của vùng; tham quan các di tích lịch sử…
 
Đầm An Khê ở TX.Đức Phổ.
Đầm An Khê ở TX.Đức Phổ.
 
Khai thác tiềm năng phát triển du lịch ở vùng đầm An Khê theo hướng gắn kết các hoạt động phục hồi sinh thái, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm vùng đất ngập nước. “Đầm An Khê là một hệ sinh thái đất ngập nước. Tuy nhiên, do chưa có cách tiếp cận hợp lý, nên những năm gần đây đa dạng sinh học đã có dấu hiệu suy giảm đáng báo động và tiềm ẩn nhiều mối lo ngại xâm lấn khác. Do đó, cần phải có phương pháp khai thác bền vững, bảo toàn tính nguyên vẹn của đầm”, ông Minh nói.
 
Ngoài các di tích Văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh đầm An Khê còn có dấu tích văn hóa Chămpa như: Bia Chăm ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, các kiến trúc đường lát đá cổ bằng qua Núi Bồ trong Vũng Bàng, hơn 10 giếng Chăm cổ xếp đá ong hình vuông, cùng phế tích đền miếu Chăm ở cửa biển Sa Huỳnh có niên đại từ thế kỷ I - II sau Công Nguyên...
 
Sau thế kỷ IV, vùng này xuất hiện thêm yếu tố văn hóa Hán hay Nam Á và yếu tố biển của cư dân Đông Nam Á hải đảo. Nơi đây còn có dấu tích dấu tích văn hóa Đại Việt như: Cầu đá, giếng nước kè đá miệng tròn, đáy vuông và đền tháp thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở kiến trúc đền tháp của người Chăm trước đó. Những tư liệu này cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ dấu tích các quốc gia cổ đại: Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Chămpa trên đất Quảng Ngãi.
 
Việc đảm bảo tính nguyên vẹn của đần An Khê mở ra tiềm năng lớn để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch.
Việc đảm bảo tính nguyên vẹn của đần An Khê mở ra tiềm năng lớn để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch.
 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển du lịch bằng những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Sa Huỳnh. Các bằng chứng khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh đã cung cấp những thông tin quan trọng về diễn biến từ Tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh và nguồn gốc bản địa của nền văn hóa lâu đời này. Văn hóa Sa Huỳnh cần được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình tiêu biểu trong văn hóa tiền sử Việt Nam, xứng đáng được vinh danh là di sản quốc gia đặc biệt.
 
“Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầm An Khê chính là cơ hội để đánh thức những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của Văn hóa Sa Huỳnh. Từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước”, ông Dũng cho biết.
 
Bài, ảnh: T.VƯƠNG

.