(Báo Quảng Ngãi)- Ở các huyện miền núi trong tỉnh, có nhiều người dành tâm huyết cả đời để giữ gìn di sản văn hóa truyền thống. Họ là cầu nối góp phần làm cho di sản văn hóa của dân tộc luôn có sức sống và trường tồn.
[links()]
Trao truyền văn hóa Cor
Ông Hồ Ngọc An (64 tuổi), ở thôn 2, xã Trà Thủy và ông Hồ Văn Đường (71 tuổi) ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) được ví như "bảo tàng sống" về văn hóa truyền thống của dân tộc Cor. Hai ông vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND). Đợt này, Quảng Ngãi có 3 nghệ nhân ưu tú (NNƯT) được phong tặng danh hiệu NNND. Ông An là một trong số ít nghệ nhân người Cor am hiểu nhiều lễ hội và sử dụng thành thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Cor.
Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (bên trái) dành nhiều công sức để gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Cor. Ảnh: Trí Phong |
Còn NNND Hồ Văn Đường là người am tường về nghệ thuật làm cây nêu và bộ gu của người Cor. “Trong các lễ hội của người Cor, nhất là lễ ăn trâu, mừng lúa mới... cây nêu là vật không thể thiếu. Đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc của đồng bào Cor. Cùng với bộ gu, cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh”, ông Đường cho hay.
Ngoài ra, ông Đường đánh chiêng, chỉnh chiêng, chơi đàn brooc rất hay. Ở tuổi xế chiều, ông Đường vẫn miệt mài trao truyền, hướng dẫn thế hệ trẻ trong làng đánh chiêng, cách làm cây nêu, bộ gu... để gìn giữ di sản văn hóa Cor cho đời sau.
Giữ lửa đam mê bài chòi
Ở loại hình nghệ thuật bài chòi, NNƯT Trịnh Công Sơn vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND. “Đừng nói chi đến công lao, nghe to tát quá. Những nghệ nhân như tôi ca hát bài chòi xuất phát từ niềm say mê và chỉ mong nó được trao truyền để mãi sống cùng thời gian”, ông Sơn khiêm tốn bảo.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thực thường xuyên biểu diễn bài chòi trong các hội thi, hội diễn ở trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Trí Phong |
Ông Nguyễn Thực, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu NNƯT. Ông Thực bảo rằng, hát bài chòi, bả trạo như "một người bạn đời" không thể thiếu trong cuộc đời của ông. Ông đam mê hát bài chòi từ bé, đến nay đã hơn 30 năm ông gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Nhiều năm qua, ông đã cất công sưu tầm, sáng tác bài chòi. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca bài chòi xã Bình Thuận, nhiều năm qua, ông Thực đã mang lời ca, tiếng hát ngọt ngào của mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ và thường xuyên tham gia biểu diễn bài chòi phục vụ khách tham quan du lịch, tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để đưa nghệ thuật bài chòi lan tỏa và có sức sống trong đời sống xã hội.
TRÍ PHONG