Nhà văn Văn Biển họ Phạm, sinh năm 1930, tại Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ông gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng chú ruột. Dẫu có mối quan hệ máu mủ thế đó, nhưng Văn Biển thì bước chân vào con đường văn chương. Tôi khá bất ngờ khi nghe Văn Biển kể lại buổi đầu ông đến với văn chương. Ông tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, về sống cùng nhà với người chú mình đến 17 năm! Năm 1966, trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, có một “gương điển hình” đặc sệt nông dân lên báo cáo thành tích. Báo cáo có mấy trang thôi mà đọc mãi không thành. Người đó là Anh hùng Hồ Giáo, đang nuôi bò ở Nông trường Ba Vì.
Nhà văn Văn Biển (trái) với người em đồng hương Mộ Đức - nhà thơ Thanh Thảo tại nhà riêng Văn Biển năm 2017. Ảnh: Trần Đăng |
Nghe chất giọng đặc sệt Quảng Ngãi khi đọc báo cáo thành tích, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất ấn tượng với nhân vật này. Ông đã gặp riêng Hồ Giáo sau đó và nhận đồng hương Quảng Ngãi. Tưởng chỉ có vậy, không ngờ trong bữa cơm sau đó ít lâu với người cháu của mình, tức Phạm Văn Biển, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị: “Hay là Biển lên Ba Vì để viết về anh Hồ Giáo nhỉ?”.
Hóa ra, lâu nay dù bận trăm công nghìn việc nhưng Thủ tướng Phạm văn Đồng vẫn dõi theo đứa cháu ruột của mình không sót một “động thái” nào! Ông biết, Phạm Văn Biển đang theo đuổi giấc mơ văn chương chứ không phải đi tìm quặng trong lòng đất như cái ngành mỏ- địa chất mà cháu mình theo học!
Nghe người chú đề nghị vậy, Văn Biển lặng lẽ xách túi lên Ba Vì. “Tôi ở với anh Giáo 3 tháng liền ngay tại Nông trường Ba Vì. Cùng tuổi với nhau (sinh năm 1930), lại là đồng hương Quảng Ngãi và chưa vợ con gì nên chuyện sinh hoạt của chúng tôi khá đơn giản và thuận lợi.
Hằng ngày, tôi theo chân anh Giáo ra đồng cỏ, nghe anh ấy kể chuyện nuôi bò. Trong những câu chuyện anh Giáo kể thì con bê mang số 20 đã ám ảnh tôi. Tôi “chấm” con bê ấy và đeo bám Hồ Giáo cùng “nhân vật” của mình đến cùng. Anh Giáo ít nói, hỏi gì thì trả lời nấy chứ không thuộc dạng hoạt ngôn. Điều đó vừa thuận tiện về độ chính xác của tài liệu mà nhân vật cung cấp, nhưng đồng thời cũng bất lợi khi mình không biết gì để hỏi nữa” -Văn Biển kể lại chuyện ông tiếp xúc với Hồ Giáo lần đầu.
Nhà văn Văn Biển và tác phẩm Cô bê 20. Ảnh: Trần Đăng |
Hỏi ông có ấn tượng gì khác về Hồ Giáo ngoài việc “hỏi đâu nói đó?”, Văn Biển cười: “Hồi đó (1967), đói vàng mắt, thèm đủ thứ, tưởng lên Ba Vì gặp anh hùng, thể nào cũng có dăm ba bữa tươi, nào ngờ anh Giáo đãi bạn đồng hương suốt cả tuần chỉ một món châu chấu rang! Ban đầu thì ngon miệng thật nhưng qua bữa thứ ba thì ôi thôi…”.
Thế rồi “Cô bê 20” ra đời sau chuyến thực tế ấy, trở thành tác phẩm “gối đầu giường” của thiếu nhi miền Bắc một thời. Sách kể về một cô bê con bị tật bẩm sinh nhưng nhờ công chăm sóc của anh Hồ Giáo, con bê con ấy không những không bị đèo đẹt, mà trái lại trở thành một trong những con bò cho sữa nhiều nhất ở Nông trường Ba Vì. Nhà văn đã hóa thân vào con bê ấy để kể về cuộc đời của nó. Một giọng văn thủ thỉ thù thì làm mê mẩn bao lớp trẻ con. Tác phẩm đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải thưởng đặc biệt năm 1968 là vậy.
Ngoài “Cô bê 20”, Văn Biển còn là một kịch tác gia với nhiều đột phá vào thời khắc “đêm trước của đổi mới” mà trong làng kịch nước ta, mỗi khi nhắc đến cái tên Văn Biển, ai cũng nhớ đến ông như: Thành phố con tàu, Chuyện cổ Bát Tràng, Đêm Stockholm… Đặc biệt, tiểu thuyết “Que diêm thứ 8” như một lời từ giã của nhà văn với cuộc đời, Văn Biển đã vắt kiệt cùng sức lực để hoàn thành tác phẩm khi ông đã ngấp nghé tuổi 90.
Xin được vĩnh biệt ông - một nhà văn lặng lẽ hiếm thấy!
TRẦN ĐĂNG