(Báo Quảng Ngãi)- Cây cau, dây trầu là những hình ảnh quen thuộc đối với người dân vùng cao. Đồng bào Ca Dong, Cor, Hrê... vẫn còn giữ tục ăn trầu. Trầu, cau được dùng để mời khách trong đám cưới, lễ hội... Đây cũng là lễ vật không thể thiếu trong các lễ cúng thần linh.
[links()]
Bộ đồ ăn trầu của người Ca Dong. Ảnh: Tấn Vịnh |
Nét văn hóa từ xa xưa
Phụ nữ Ca Dong vẫn giữ tục ăn trầu. Ảnh: Tấn Vịnh |
Thời xưa, người Cor trồng nhiều quế và trầu. Vỏ cây quế bán cho người miền xuôi để đổi lấy đồ vật quý giá như trang sức, nồi đồng, chiêng, cồng, ché, vải lụa... Còn lá trầu (kwái) dùng để ăn và mang ra chợ bán cho người dân ở miền xuôi để có tiền mua mắm muối.
Trong công trình “Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2016), nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư có nêu, trong quá khứ, ở vùng Trà Bồng (Quảng Ngãi), Trà My (Quảng Nam) đã từng tồn tại một số “tộc danh” dành cho người Cor là “bộ tộc Trầu”, “người Trầu”... Những tộc danh ấy ra đời và tồn tại một thời gian rất dài.
Người Cor thích dùng trầu, đàn ông, đàn bà, người già, thậm chí người trẻ cũng ăn trầu. Họ thường ăn trầu với vỏ cây chai núi (kha-lí). Người Cor xưa kia trồng rất nhiều trầu trên núi, trên nương rẫy.
Theo nhà nghiên cứu Cao Văn Chư, lá trầu ở Trà Bồng có lá và gân đều hơi vàng (trầu ở miền xuôi lá và gân đều xanh thẫm) dày và dòn, ăn thơm hơn mà không bị bỏng rộp như trầu miền xuôi. Lá trầu ở Trà Bồng rất ngon, vậy nên trước đây người dân ở miền xuôi lên vùng đất này mua trầu về bán, nên gọi là trầu nguồn. Thậm chí có người trồng trầu đổi được chiêng, nồi đồng, quần áo...
Trầu, cau là lễ vật ngày cưới
Ngoài dân tộc Cor, tục ăn trầu cũng phổ biến ở dân tộc Ca Dong, Hrê... Đối với người Ca Dong, lễ vật bắt buộc phải có trong đám cưới là trầu, cau. Lễ vật mà nhà trai mang đến cho nhà gái phải có ít nhất 1 bó trầu, 1 buồng cau. Nghi thức độc đáo nhất của lễ cưới là ông mối, người chủ hôn đưa cho cô dâu, chú rể miếng trầu và đôi trai gái trao cho nhau. Nghi thức này thay cho lời thề nguyện cùng chung sống bên nhau suốt đời.
Trong lễ cưới của người Ca Dong, chủ hôn trao miếng trầu cho cô dâu, chú rể. Ảnh: Tấn Vịnh |
Đối với người dân ở vùng đồng bằng, bộ dụng cụ dùng để ăn trầu có nhiều loại khác nhau như bình vôi, khay đựng trầu, cau, dao bổ cau, ống nhổ... Còn người Cor sử dụng cái mủng nhỏ đan bằng mây tre để đựng trầu cau.
Đây cũng là đồ dùng để đựng cơm, thịt... dọn ăn hằng ngày và trong các lễ nghi. Người Ca Dong đan cái rổ tre nhỏ để đựng trầu cau, phía dưới có chân đế, phía trên có nắp, khi úp lại thành hình quả cầu duyên dáng. Đi kèm với rổ trầu cau luôn có ống đựng thuốc lá (kring-ning). Trong lễ cưới của dân tộc Ca Dong có nghi thức độc đáo và trang trọng, sau khi đưa miếng trầu cau, ông chủ hôn hai tay bắt chéo vào nhau đưa hai ống đựng thuốc lá cho cô dâu, chú rể.
Tục ăn trầu gắn với tập quán ẩm thực, nghi lễ và lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao từ thời xa xưa. Ngày nay, nhiều người lớn tuổi vẫn giữ tục ăn trầu, còn giới trẻ không quen ăn trầu, nhưng vẫn gìn giữ nghi lễ, nét văn hóa liên quan đến trầu cau. Trong lễ cưới, trầu cau là biểu tượng của sự son sắt, thủy chung; trong nghi lễ cúng tổ tiên, trầu cau mang ý nghĩa của đạo hiếu.
Kỷ vật của cha mẹ tặng con gái
Theo khẩu vị, người ăn trầu cần có thêm một ít thuốc lá sợi hoặc bột để bôi vào răng lúc ăn trầu, do vậy nên thường có ống đựng thuốc lá (hoặc có thể gói trong giấy báo). Thuốc lá và trầu có thể giúp giữ ẩm cơ thể khi thời tiết rét buốt. Ống đựng thuốc lá dài gần một gang tay, có nắp đậy. Với người phụ nữ Ca Dong, ống đựng thuốc lá để ăn trầu còn là đồ trang sức, kỷ vật quý giá, xinh đẹp của cha mẹ tặng cho con gái từ khi còn bé thơ. Người cha vào rừng tìm đoạn trúc chừng một gang tay mang về chạm khắc, sau đó người mẹ buộc thêm vào chiếc ống này một chùm lục lạc nhỏ xíu, những chuỗi cườm và chùm len ngũ sắc.
|
TẤN VỊNH