(Baoquangngai.vn)- Giai đoạn 2022 – 2025, Quảng Ngãi sẽ thực hiện trùng tu, tôn tạo 7 di tích lịch sử cấp quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp. Đây là sự quan tâm đầu tư rất lớn của tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các di tịch, đáp ứng các hoạt động văn hóa, du lịch ở địa phương.
[links()]
Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa trong việc trùng tu di tích lịch sử, văn hóa.
Đẩy nhanh tiến độ thi công tôn tạo di tích
Dự án Khu di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành vào tháng 11/2022. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 29 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia gắn liền với tên tuổi và công đức của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
Khu di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2022. |
Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1990 và đã xuống cấp. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Võ Thành Trung cho biết, hiện khu di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán đang được triển khai thi công điện thờ chính và một số hạng mục khác...
Khu di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1990. |
Đối với phần điện thờ chính của công trình đã thi công hoàn thành phần hậu điện (gian thờ). Gian tiền điện đang triển khai hoàn thiện phần gỗ, dự kiến đầu tháng 9 sẽ lắp dựng. Nhà tả vu, hữu vu đã thi công hoàn thành phần thô, đang lợp mái. Với tiến độ này, công trình sẽ về đích đúng hạn.
Với Di tích lịch sử cấp tỉnh đình La Hà, ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cũng đang được trùng tu. Ông Nguyễn Văn Phúc, thành viên Ban Quản lý đình cho biết, đình La Hà đã hơn 200 năm tuổi và có nét cổ kính riêng biệt. Đây là nơi lưu giữ nguyên vẹn 16 tấm sắc phong thời nhà Nguyễn. Tháng 8/2018, UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi đình.
Vào những dịp lễ lớn của làng đều được tổ chức tại đình, thu hút đông đảo nhân dân trong làng và các xã lân cận tham gia. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, đình La Hà đều tổ chức lễ cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị Vua Hùng và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân được bình an. Người dân địa phương gìn giữ và trân quý ngôi đình này và xem đó là báu vật của làng.
Đình La Hà đang được trùng tu, xây dựng lại từ nguồn vốn xã hội hóa. |
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tư Nghĩa, do bom đạn từ thời chiến tranh tàn phá, nên ngôi đình đã xuống cấp, đặc biệt là các trụ, đà, kèo chống trên mái bị mục nát... Vì thế, một người con của quê hương La Hà đã tự nguyện đóng góp 7 tỷ đồng để trùng tu lại đình La Hà. Dự kiến đến cuối năm 2024, ngôi đình sẽ được xây dựng hoàn thành.
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
Để phát huy tiềm năng du lịch ở Khu di tích Văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi đang triển khai thi công tuyến đường du lịch kết nối khu vực này, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Công trình có tổng mức đầu tư 49,7 tỷ đồng, được xây dựng đồng bộ gồm các hạng mục đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng và bãi đậu xe. Trong đó, tuyến đường có chiều dài 1,8km, rộng 14m.
Đơn vị thi công đang xây dựng các hạng mục nền đường, thoát nước ngang, kè chắn, chân khay, mái taluy, bãi đỗ xe theo tiến độ được duyệt và sẽ hoàn thành dự án trong năm 2022. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần đưa Khu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Dự án đường vào Khu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh đang được thi công. |
Giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 93 di tích được sửa chữa, bảo tồn và phục hồi. Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo vẫn còn nhiều khó khăn nên quy mô thực hiện còn hạn chế. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu cụ thể. Trong đó, giai đoạn năm 2022 - 2025, sẽ thực hiện bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 28 - 40 di tích đã được cấp xếp hạng.
Giai đoạn này cũng thực hiện đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp cho 7 di tích Quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp cần tôn tạo cấp thiết; tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 46 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng.
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Quảng Ngãi đã dành sự quan tâm đầu tư rất lớn nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở địa phương.
“Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản cho người dân biết; tích cực kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo sự gắn kết giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch của tỉnh”, ông Dũng cho biết thêm.
Bài, ảnh:
T.VƯƠNG