Tri ân Anh hùng dân tộc Trương Định

04:08, 19/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 158 năm, ngày 20/8/1864, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định (danh hiệu do nhân dân Gò Công, tỉnh Tiền Giang phong tặng), đã anh dũng, kiên cường cùng nghĩa binh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và tuẫn tiết một cách đầy khí phách. Hằng năm, cứ đến ngày này, chính quyền và nhân dân ở tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, để tỏ lòng tri ân đối với vị anh hùng của dân tộc. 
 
[links()]
 
Người anh hùng trung nghĩa đất Gò Công
 
Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Năm 1844, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công. Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận để khai hoang đất đai phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, Trương Định luôn được nhân dân Gò Công hết lòng tin yêu. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.
 
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.   Ảnh: Tư Liệu
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: Tư Liệu
Năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.
 
Để ghi nhớ công đức của Anh hùng dân tộc Trương Định, năm 2007, UBND tỉnh xây dựng lại Đền thờ Trương Định với diện tích hơn 2ha, dưới chân núi Đầu Voi, thuộc xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê. Năm 2009, Sở VH-TT&DL giao đền thờ cho Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ quản lý. Từ đó đến nay, đền thờ được quan tâm đầu tư, trùng tu nên ngày một khang trang. Tại đền thờ trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định với 4 bản trích, gần 50 ảnh tư liệu, hơn 40 hiện vật và hàng chục tài liệu.
 
Tấm gương để thế hệ trẻ noi theo
 
Hằng năm, Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định được Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ tổ chức trang nghiêm. Tại đền thờ, các bô lão ở địa phương làm lễ giỗ với các nghi thức cúng truyền thống. Qua đó, thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc - người con ưu tú quê Quảng Ngãi, một võ tướng tài ba, tấm gương bất khuất, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần giữ yên bờ cõi nước Nam.
 
Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho biết, ban quản lý đã chuẩn bị chu đáo từ việc trang trí đền thờ, sắp xếp các hiện vật trưng bày... để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương nhân ngày tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.
 
Ông Trương Thanh, ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, cháu họ của Anh hùng dân tộc Trương Định là chủ tế của Ban tế lễ ở địa phương năm nay cho hay, cứ đến ngày giỗ ông, chúng tôi cùng các bô lão chuẩn bị chu đáo để buổi lễ diễn ra tôn nghiêm. "Ngoài lễ chính tại di tích, chúng tôi còn làm giỗ vọng ông tại nhà. Đây là dịp để nhắc nhở cháu con ghi nhớ công ơn của vị Anh hùng đã hy sinh vì đất nước, để có được nền độc lập hôm nay", ông Thanh nói.
 
Còn ông Đào Kỳ (60 tuổi), nhà ở ngay trên vườn cũ của gia đình Anh hùng dân tộc Trương Định, ở thôn Tư Cung bộc bạch, để tưởng nhớ công đức Anh hùng dân tộc Trương Định, gia đình tôi đã dựng tấm bia đá đặt trang trọng ngay trong vườn để hằng năm lo hương khói. Bình Tây đại nguyên soái Trương Định là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung để thế hệ trẻ noi theo.
 
Điểm đến giáo dục lòng yêu nước  
 
Hằng năm, Đền thờ Trương Định đón hàng nghìn lượt khách đến viếng hương và tham quan, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giữ nước, chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Trương Định. Bà Phan Thị Vân Kiều cho biết, Ban quản lý di tích đã triển khai tu sửa một số hạng mục ngoại cảnh, khuôn viên di tích với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm các hiện vật liên quan đến Anh hùng dân tộc Trương Định; đổi mới công tác trưng bày để phục vụ khách tham quan, góp phần giáo dục lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. 
 
Chị Phan Thị Ái Nhiên, thuyết minh viên tại di tích chia sẻ, mỗi lần thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định, là mỗi lần tôi xúc động xen lẫn tự hào về người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà. Nhiều du khách đến tham quan rất xúc động khi nghe giới thiệu, xem những hiện vật liên quan đến thời thơ ấu của Anh hùng dân tộc  Trương Định và vũ khí chiến đấu thô sơ của nghĩa quân...
 
KIM NGÂN
 
 

.