Nhiều giải pháp phát triển du lịch

10:08, 21/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa có các danh lam thắng cảnh độc đáo, nhiều điểm đến có thể đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề... Đây là những tiền đề để thu hút nhà đầu tư có năng lực phát triển các dịch vụ du lịch, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
 
[links()]
 
Nhiều tiềm năng
 
Những năm gần đây, tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư, huyện Tư Nghĩa đã tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật và khai thác các lợi thế sẵn có để phát triển du lịch. Điểm nhấn du lịch trên địa bàn huyện phải kể đến là khu du lịch sinh thái Cocoland River Beach Resort & Spa, tại xã Nghĩa Hòa. Khu du lịch này hiện có đầy đủ dịch vụ tiện nghi đạt tiêu chuẩn 4 sao. 
 
Khu du lịch Cocoland River Beach Resort & Spa, tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Khu du lịch Cocoland River Beach Resort & Spa, tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Giám đốc Điều hành Cocoland River Beach Resort & Spa Lê Tấn Thanh Phương cho biết, khu du lịch chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để xứng tầm là một khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 4 sao. Hiện tại, chúng tôi đang đầu tư, khai thác các dịch vụ trên sông; hình thành các tour tham quan phố cổ Thu Xà. Du khách đến đây không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng, mà còn có thể tham quan những di tích nổi tiếng và các làng nghề truyền thống tại huyện Tư Nghĩa.
 
Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại huyện Tư Nghĩa cũng đã có bước phát triển mới. Toàn huyện hiện có 16 cơ sở lưu trú. 
 
Bên cạnh đó, Tư Nghĩa cũng đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và du lịch cộng đồng. Huyện Tư Nghĩa còn tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống lâu đời như dệt chiếu, làm nhang, làm đầu lân, trồng hoa... nhằm thu hút du khách.
 
Theo thống kê, huyện Tư Nghĩa hiện có 19 di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có đình, chùa, là nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng. Những năm gần đây, huyện chú trọng bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; đồng thời bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể nhằm phục vụ du khách. 
 
Đa dạng các sản phẩm du lịch
 
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia chùa Ông, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện Tư Nghĩa cũng đã đầu tư mở rộng đường vào di tích chùa Ông, với chiều dài 300m, tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
 
Di tích Quốc gia chùa Ông, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Di tích Quốc gia chùa Ông, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho hay, huyện đang triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tư Nghĩa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch như Bàu Sen, Tam Nghĩa, Suối Mơ. Đồng thời, thu hút đầu tư các tổ hợp đô thị - dịch vụ - du lịch - giải trí có quy mô lớn và khai thác có hiệu quả các khu du lịch như Bãi Dừa, Tam Nghĩa...
 
Huyện Tư Nghĩa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hình thành từ 1 - 2 điểm du lịch sinh thái và tiếp tục phát triển mạnh 2 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Trong đó, lấy du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho sự phát triển du lịch bền vững...
 
Bài, ảnh: K.NGÂN
 
 

.