(Báo Quảng Ngãi)- Miếu Bà (miễu Bà, dinh Bà, điện thờ Bà...) là hình ảnh quen thuộc ở các làng quê Quảng Ngãi. Tục thờ Bà (nữ thần) là một tín ngưỡng dân gian, có cội nguồn sâu xa từ đạo thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.
[links()]
Tín ngưỡng thờ Bà
Theo bước chân những người di dân vào Đàng Trong, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt bắt gặp tín ngường thờ nữ thần của người bản địa, cụ thể là thần Mẹ Đất (Thiên Y A Na) của người Chăm, để trở thành một biểu tượng “Bà” trong tâm thức của cư dân Việt vùng đất mới. Theo quan niệm của người dân, Bà là vị thần bản mệnh, che chở tính mạng, chăm lo cho đời sống của người dân; ngăn ngừa thú dữ, dịch bệnh, thiên tai; răn đe những kẻ phá hoại mùa màng, xâm hại đời sống dân lành. Bà cũng là biểu tượng cố kết cộng đồng, khuyến khích mọi người đồng cam cộng khổ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm với cộng đồng.
Miếu Bà, ở thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: LHK |
Gìn giữ nét đẹp văn hóa
Trong khuôn viên miếu Bà thường có một miếu nhỏ thờ thần Bạch Hổ, gọi là dinh Ông hoặc miếu Ông. Đây là một vị thần linh hiện thế bằng vóc dáng một hổ trắng (Bạch Hổ), được tôn xưng là Bạch Hổ Đại tướng quân. Vị thần này là người có sức mạnh, chuyên hàng phục, truy dẹp các thế lực hung hãn, ức hiếp dân làng như thú dữ, giặc cướp; những kẻ gây hấn, phá hoại nhà cửa, mùa màng.
Dinh Bạch Hổ trong khuôn viên miếu Bà, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Ảnh: LHK |
Những năm gần đây, đời sống kinh tế phát triển, người dân ở các địa phương đóng góp kinh phí xây dựng miếu thờ Bà khang trang hơn. Thờ Bà và tổ chức các lễ tế là nét đẹp văn hóa ở làng quê, qua đó cố kết cộng đồng, nâng cao ý thức về gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp xây dựng quê hương.
LÊ HỒNG KHÁNH