(Báo Quảng Ngãi)- Trăng thượng tuần sáng quá. Cảm giác không gian thêm sâu và rộng hơn. Làng Cà Tang trở nên nhỏ bé, lọt thỏm giữa núi rừng. Ở đầu nhà sàn, quay mặt ra phía suối, tiếng nước chảy qua phiến đá nghe rõ mồn một. Phiến đá to nằm chắn ngang dòng suối. Buổi chiều, tôi cùng lũ trẻ ra suối, trước khi chúng ôm sách vở, vén áo lội qua chỗ nước cạn. Lớp có hai mươi ba học sinh, có mười tám em ở làng Phiền Chá. Làng Phiền Chá cách Cà Tang một con suối, một sườn đồi.
Đêm nay trăng sáng, không ngủ được, tôi nghĩ đến cuộc họp khi sáng. Đó là cuộc họp tổng kết đánh giá đợt thanh tra toàn diện của phòng giáo dục và đào tạo. Trong đó có phần đánh giá năng lực chuyên môn giáo viên. Thầy Thành là trưởng đoàn. Thầy người mảnh khảnh, nước da trắng. Thầy trông có vẻ văn nhân hơn là một cán bộ lãnh đạo. Tháng trước, truyện ngắn của thầy được đăng báo. Cách viết của thầy mang yếu tố văn hóa sâu sắc ở miền núi, văn phong giản dị. Ở đó, có sự đắn đo giữa mất còn, giữa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xu hướng chạy theo trào lưu hiện đại. Tôi có ý định gặp thầy, để chia sẻ một chút về truyện ngắn này.
Các xã vùng cao, học sinh không nhiều, người ta ghép chung bậc tiểu học và trung học cơ sở thành một, gọi là trường phổ thông cơ sở. Trường phổ thông cơ sở họp hội đồng sư phạm cả hai bậc học. Sáng nay, cô Loan giáo viên dạy Ngữ văn bật khóc khi bị xếp loại trung bình. Cô tỏ ra bất bình về cách đánh giá xếp loại của thầy Tuyến. Cô nói:
-
Thưa thầy Thành trưởng đoàn và tất cả thành viên trong đoàn thanh tra. Tôi phản đối kết quả đánh giá xếp loại của thầy Tuyến. Bài tôi dạy, đảm bảo kiến thức cơ bản, học sinh nắm được nội dung và nghệ thuật trong đoạn trích, chỉ có chi tiết này mà xếp loại tiết dạy của tôi trung bình.
Thầy Thành nói:
- Đề nghị, cô trình bày cụ thể?
- Thưa thầy, hôm đó tôi dạy đoạn trích "Chị em Thúy Kiều", giờ Ngữ văn lớp 9A, trước khi trống đánh 3 phút, tôi đọc cho các em nghe một bài thơ có nội dung như vừa nhắn nhủ, vừa bày tỏ nỗi lòng của Thúy Vân khi phải nhận lời chắp nối mối tình với Kim Trọng, lúc Thúy Kiều gặp nạn phải bán mình chuộc cha.
Thầy Tuyến đưa tay, đứng dậy phản ứng:
- Hiểu, tôi hiểu bài thơ đó nhiều cảm xúc, nhưng khi kiểm tra trong giáo án, không có chi tiết đọc thơ. Phàm cái gì không có trong giáo án thì không được phép dạy. Vậy thôi.
Cô Loan ấm ức:
- Tôi không dạy, tôi chỉ phụ đề, đọc cho các em nghe thôi. Theo tôi, tiết Ngữ văn mang lại cho người học những cảm xúc tốt đẹp, trong sáng, chân thành, tạo cho các em tình cảm yêu văn học. Nhà văn M.Gooc-Ki từng nói: “Văn học là nhân học”. Văn chương cũng như tình yêu, nó rất nhiều màu sắc. Nó không phải là vật thể bất di bất dịch. Chúng ta không thể nắm bắt bằng tay, ngửi bằng mũi, hay nhìn bằng mắt được. Nó là sự cảm nhận. Cảm nhận luôn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, trình độ cảm thụ của mỗi người.
Không khí lúc này có vẻ căng thẳng. Thầy Thành ôn tồn nói:
- Thôi được rồi, việc này tôi sẽ họp đoàn riêng và xem lại. Cô Loan bình tĩnh, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tạm thời chưa đánh giá xếp loại tiết dạy Ngữ văn lớp 9 của cô Loan.
Cô Loan cũng là người miền xuôi. Cô dạy học đã lâu. Qua nhiều lần tâm sự, tôi biết cô rất yêu nghề, yêu những đứa trẻ khát khao con chữ. Ở miền núi, chuyện đi học của học sinh gặp nhiều khó khăn. Văn hóa, văn minh như những cơn mưa, đem lại sự tốt tươi, phát triển. Người làm công tác giáo dục ở đây là đem lại những cơn mưa mát dịu đó. Có hôm đi vào làng, cô Loan nhìn thấy những đứa trẻ, cõng trên lưng những gùi củi to trên rẫy về nhà. Nghĩ đến những đứa trẻ dưới xuôi cùng độ tuổi, đang tung tăng chạy nhảy, lòng cô còn nặng hơn gùi củi trên những cái lưng nhỏ bé kia.
Còn nhớ hồi ở trường sư phạm, cô học lớp A3, thầy Tuyến học lớp A5. Hai lớp cùng nhau một dãy phòng. Một lần, xe bị hư, cô nhờ thầy Tuyến đưa về. Đấy là một ngày giữa mùa đông. Lạnh quá, chính Tuyến đã đưa áo khoác của mình cho Loan. Cái rét mùa đông ác nghiệt quá chừng. Loan nghĩ, chắc một lần này thôi. Sau đó, nhiều lần Tuyến tìm cách gặp, với những câu nói xa gần, Loan thừa hiểu Tuyến có ý nghĩ gì. Loan cứ để cho mọi chuyện trôi đi trong lạnh nhạt. Và rồi, Tuyến đã hiểu. Tuyến nhận ra cánh cửa tình cảm của Loan không mở ra cho Tuyến bao giờ. Ở đời, khi chẳng thỏa mãn được điều mong muốn, người ta thường chuyển từ yêu thương sang thù ghét, nhất là trong tình cảm. Có lẽ vậy, trước cay đắng này, Tuyến đã nhìn Loan với ánh mắt không hề thiện cảm. Ngày ra trường, Loan tình nguyện lên vùng cao dạy học. Thật không ngờ, Tuyến được rút về làm cán bộ chuyên môn ở đây. Cán bộ chuyên môn thay mặt lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo, được phép dự giờ đánh giá xếp loại giáo viên trong những đợt kiểm tra. Thêm vài lần Loan cảm thấy khó hiểu, khi hồ sơ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện của cô đều bị trả về với lý do không đủ tiêu chuẩn. Loan không buồn, không nản, luôn đặt ra những chỉ tiêu cho mình cao hơn để phấn đấu. Vượt qua khó khăn, vượt qua trở ngại, mấy năm liền cô được nhà trường xếp loại giáo viên dạy giỏi cấp trường. Có lẽ giọt nước mắt cô rơi sáng nay trong cuộc họp là giọt nước sau cùng đã tràn ly.
Thầy Thành chủ trì cuộc họp riêng đoàn thanh tra. Thầy là người am hiểu nhiều về tâm lý giáo dục, có tâm hồn phóng khoáng. Sau khi nghe hai thành viên cùng dự giờ tiết Ngữ văn của cô Loan trình bày và lắng nghe ý kiến của thấy Tuyến, thầy Thành kết luận:
- Với ba phút sau cùng trước khi tiết dạy kết thúc, nhất là tiết dạy Ngữ văn, giáo viên có quyền phụ đề, nhưng phụ đề đó phải đúng trọng tâm bài dạy. Cô Loan đọc bài thơ "Tâm sự Thúy Vân" trong tiết dạy đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là không sai. Mặc dù phụ đề này không có ghi trong giáo án. Tôi đề nghị tổ dự giờ xếp loại tiết dạy cô Loan vào loại khá.
Cả đoàn thanh tra vỗ tay. Chỉ riêng thầy Tuyến ngồi yên lặng.
Biên bản tổng kết đợt thanh tra công bố. Hội đồng sư phạm không ai có ý kiến gì. Riêng tôi nghĩ, đôi khi trong cuộc sống, người ta đem cái riêng vào cái chung là điều khập khiễng, là điều không nên.
Tôi đi gặp thầy Thành để chia sẻ về truyện ngắn của thầy. Ngoài hành lang, chúng tôi trao đổi về văn học, văn hóa vô tư, hào hứng, không căng thẳng, không tị hiềm.
Đêm nay trăng sáng, tôi nhớ lại đoạn mở đầu truyện thầy viết: “Đó là một đêm trăng sáng, già Bót lặng lẽ cầm cây cung, lặng lẽ bước xuống nhà sàn bằng chín bậc cầu thang đi về phía làng Phiền Chá...”.
THOẠI VĂN